Nghiên cứu M&A: Tình hình nghiên cứu M&A ở Việt Nam ( Mua bán & sáp nhập doanh nghiệp) ( Bài 5, phần 2)
Hiện tượng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trên thế giới không có gì mới mẻ, tuy nhiên tại Việt Nam đây lại là một hiện tượng khá mới mẻ, mới được hình thành và phát triển vào đầu những năm 2000. Đặc biệt những năm gần đây hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp ngày càng mạnh mẽ hơn, các doanh nghiệp nước ngoài ồ ạt đầu tư vào Việt Nam thông qua hoạt động M&A.
Các quy định về mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật chứng khoán, Luật cạnh tranh. Những năm gần đây được các tác giả chú tâm nghiên cứu và cũng bắt đầu có số lượng bài viết ngày càng nhiều hơn, đều hơn về hoạt động M&A. Tuy nhiên mảng nghiên cứu về góc độ pháp lý còn ít. Các đề tài và bài viết điển hình như:
Luận án tiến sĩ Luật học của Hoàng Anh Tuấn về: "Chuyển đổi hình thức công ty theo pháp luật Việt Nam" dưới sự hướng dẫn khoa học của TS Ngô Huy Cương và TS Vũ Quang đi sâu vào nghiên cứu về khái niệm Công ty, hình thức, bản chất, đặc điểm pháp lý và vai trò ý nghĩa của việc chuyển đổi hình thức công ty sau khi có hoạt động M&A xảy ra. Tác giả đi sâu vào phân tích chuyển đổi công ty dưới góc độ hoạt đông M&A và những sự phù hợp của pháp luật khi công ty có tái cấu trúc và thực hiện hoạt động mua bán, sáp nhập.
Hay công trình nghiên cứu của tác giả Nguyễn Hòa Nhân "M&A ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp cơ bản (M&A in Vietnam: Realyti and Fundamental Solution)" đăng trên Tạp chí khoa học và công nghệ, Đại Học Đà Nẵng - số 5 (34).2009 cũng có đề cập tới một số khía cạnh của M&A tại Việt Nam. Tuy nhiên đề tài chỉ đi vào nhằm giới thiệu hệ thống các vấn đề cơ bản liên quan quá trình M&A và phân tích thực tế ứng dụng hoạt động M&A ở Việt Nam. Một trong những vấn đề lý thuyết mấu chốt cần nắm vững khi tiến hành hoạt động M&A được đề cập đến là các yếu tố tạo nên giá trị tăng thêm sau M&A. Công trình cũng phân tích một cách cơ bản những kết quả và hạn chế của hoạt động M&A cho đến nay cũng như những cơ hội và thách thức cho hoạt động M&A sắp đến. Cuối cùng, điều quan trọng là đề xuất một số hướng giải pháp cơ bản chuẩn bị cho sự phát triển hoạt động M&A ở Việt Nam, nhất là các nội dung cần lưu ý cho các công ty tham gia M&A. Về khía cạnh pháp lý tác giả cũng chỉ đề cập tới khía cạnh quản lý và góc độ kinh tế hơn là Pháp luật.
Bên cạnh đó có bài báo cáo của TS. Phạm Trí Hùng (2007), "M&A Những kinh nghiệm của thế giới", tác giả đề cập tới kinh nghiệm kiểm soát M&A như hoạt động tập trung kinh tế theo pháp luật của Liên bang Nga và các nước thuộc Liên xô trước đây (các nước trong Cộng đồng các quốc gia độc lập – SNG). Tác giả đi sâu phân tích kinh nghiệm kiểm soát chống độc quyền trong các hoạt động M&A tại các nước trong cộng đồng các quốc gia độc lập SNG. Bên cạnh đó tác giả cũng đưa ra được các mô hình kiểm soát cạnh tranh của Canada và Châu Âu , phân quyền cơ quan quản lý cạnh tranh trong các thương vụ, phân tích tỷ lệ % M&A trong mỗi thương vụ và nghĩa vụ phải thực hiện. Tác giả phân tích được pháp luật kiểm soát M&A của Việt Nam khá đầy đủ ở Luật cạnh tranh và hướng đẩy mạnh kiểm soát hoạt động M&A để nó không đi về hướng tiêu cực. Về hạn chế, tác giả không nêu ra được những tiêu chí phân biệt những loại thương vụ M&A nào cần kiểm soát, những thương vụ nào cần thông qua cơ quan kiểm soát, thương vụ nào không? Không hình thành được tiêu chí của quản lý, và kiểm soát M&A về mặt định hướng. Tác giả cũng đi vào phân tích Điều 19 Luật cạnh tranh về trường hợp miễn trừ trong trường hợp tập trung kinh tế, nhưng lại không đi vào phân tích tính hiệu quả hay mặt trái của việc miễn trừ này.
( Bài viết của Luật sư Vũ Ngọc Dũng - sao chép dưới mọi hình thức đề nghị xin phép tác giả - 0387696666 - 0386319999)
Bình luận
Bình luận bằng Facebook