Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái
Amazon đưa trí tuệ nhân tạo vào cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái
Amazon đã đầu tư đáng kể vào máy học (Machine Learning) và hệ thống công nghệ tự động. Họ xây dựng cho mình một quy trình kiểm soát mạnh mẽ ngăn chặn hàng giả. Ngay từ bước đầu, khi một doanh nghiệp đăng ký bán sản phẩm trên Amazon, hệ thống bảo mật của trang web tự động quét liên tục nhiều điểm dữ liệu, kiểm tra thông tin và thông báo các tín hiệu cho thấy doanh nghiệp này có dấu hiệu bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc.
Amazon cũng tung ra một chương trình mang tên Brand Registry, cho phép các công ty đăng ký bán chia sẻ nhãn hiệu, hình ảnh đã xác minh về sản phẩm và các thông tin khác với Amazon để công ty có thể quét thông tin giả mạo. Kết quả là: trên 95% tất cả các cảnh báo về tiềm năng vi phạm làm giả đến từ chương trình Brand Registry. Bằng sáng kiến công nghệ này, số lượng nhãn hiệu hàng giả, hàng nhái được phát hiện đã giảm 99% so với số lượng trước khi Brand Registry hoạt động.
Sendo kiểm duyệt hàng hóa bằng trí tuệ nhân tạo
Trước vấn nạn hàng giả hàng nhái, Sendo, một trong 4 trang thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam, cho biết áp dụng việc kiểm soát hàng giả, hàng nhái qua nhiều lớp:
Kiểm duyệt bằng công nghệ và trí tuệ nhân tạo (A.I.): Hệ thống giúp ngăn chặn các từ khóa có liên quan đến các các thương hiệu, các sản phẩm cấm bán. Ngoài ra, hệ thống AI cũng thực hiện quét hình ảnh nhằm phát hiện ra các hình ảnh có logo các thương hiệu nhằm phát hiện sản phẩm vi phạm.
Kiểm duyệt người bán: Người bán trên Sendo cần thực hiện ký quỹ khi muốn bán sản phẩm có thương hiệu. Để bảo vệ quyền lợi người mua hàng, theo quy định, Sendo sẽ dùng khoản tiền ký quỹ này nếu sản phẩm của người bán cố tình vi phạm các quy chế của Sendo. Ngoài ra, nếu người bán muốn mở shop trên SenMall (thương hiệu chính hãng) thì phải cung cấp đầy đủ các giấy tờ liên quan như Giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận phân phối sản phẩm, chứng từ nguồn gốc sản phẩm, v.v…).
Kiểm duyệt bởi đội ngũ nhân viên: Đội ngũ chuyên gia kiểm soát giàu kinh nghiệm của Sendo liên tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ đặc biệt là các ngành hàng có rủi ro vi phạm cao.
Facebook ứng dụng AI để phát hiện và truy nguồn hình ảnh bị làm giả
Ngày 16/6, các nhà khoa học làm việc tại Facebook cho biết đã phát triển phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) không những có thể nhận dạng hình ảnh đã qua sử dụng thủ thuật “deepfake” mà còn truy được nguồn phát tán.
“Deepfake” là công nghệ sử dụng AI để tạo ra những nội dung giả mạo, có thể là hình ảnh, video, thậm chí là âm thanh, rất khó phân biệt theo cách thông thường.
Do đó, thủ thuật này thường được sử dụng để tạo tin tức giả và những trò lừa đảo độc hại.
Hai nhà khoa học Tal Hassner và Xi Yin cùng các cộng sự tại Facebook đã phối hợp với Đại học Michigan (Mỹ) để tạo ra phần mềm có thể phục hồi những hình ảnh đã chỉnh sửa bằng công nghệ “deepfake,” qua đó có thể xác định nguồn gốc của những hình ảnh này.
Cách thức truy vết dựa trên việc tìm kiếm và phát hiện những điểm chưa hoàn hảo của những bức ảnh hoặc đoạn clip trong quá trình can thiệp bằng “deepfake” mà các nhà khoa học gọi là cách thay đổi “dấu vân tay” kỹ thuật số của hình ảnh.
Alibaba và Liên minh chống hàng giả bằng dữ liệu lớn
Alibaba đã tạo ra chương trình Liên minh chống hàng giả bằng dữ liệu lớn (Big Data Anti-Counterfeiting Alliance) với 20 thương hiệu quốc tế. Công nghệ chống hàng giả của Alibaba quét tới 10 triệu danh mục sản phẩm mỗi ngày. Tháng 1/2017, Alibaba đã cùng với chính quyền Trung Quốc phát hiện 417 nhà sản xuất, bắt 332 nghi phạm và thu giữ hàng nhái, hàng giả trị giá 1,43 tỉ nhân dân tệ (207,2 triệu đô la Mỹ). Công ty này cũng tiết lộ, trong vòng 12 tháng tính tới tháng 8/2016, họ đã xóa bỏ hơn 380 triệu sản phẩm và đóng cửa 180.000 gian hàng TMĐT của bên thứ ba.
Minh Thư
Bình luận
Bình luận bằng Facebook