Vi phạm hợp đồng trước thời hạn
Ngày 28/08/2003, Công ty sản xuất bao bì (bên bán) ký với Công ty Hà Thành (bên mua) hợp đồng để mua giấy Kraft làm vỏ bao xi măng. Ngày 15/04/2004, hai bên ký Phụ lục Hợp đồng trong đó có thỏa thuận là “thời gian giao hàng trong vòng 2 tháng kể từ ngày 15/04/2004”. Thực hiện hợp đồng nói trên, Công ty sản xuất bao bì đã nhập về 310,712 tấn giấy Kraft.
Sau đó, Công ty sản xuất bao bì liên tục có công văn yêu cầu Công ty Hà Thành tiêu thụ hết lô hàng đã nhập về. Nhưng ngày 06/05/2004 và 20/05/2004, Công ty Hà Thành đã có công văn trả lời là không thể tiêu thụ hết 310,712 tấn giấy Kraft ngay trong thời gian 2 tháng như quy định trong Phụ lục hợp đồng. Ngày 19/05/2004 (tức trước ngày 15/06/2004 – thời điểm Công ty Hà Thành phải nhận và tiêu thụ hết 310,712 tấn giấy Kraft theo phụ lục hợp đồng), do cho rằng Công ty Hà Thành không thể thực hiện đúng nghĩa vụ đã cam kết nên Công ty sản xuất bao bì đã ký hợp đồng bán cho Công ty Thái Hòa lô giấy mà Công ty sản xuất bao bì đã bán cho Công ty Hà Thành.
Tranh chấp xảy ra, căn cứ vào luật thương mại 1997, Tòa án cho rằng Công ty sản xuất bao bì đã vi phạm Phụ lục Hợp đồng. Như vậy, trước khi hết hạn thực hiện, khi biết chắc rằng bên mua không thực hiện đúng hợp đồng, bên bán không thể tự xử lý số hàng và nếu tự xử lý thì bị coi là vi phạm hợp đồng. Ngoài ra, Tòa án cho rằng hàng hóa giấy Kraft không thuộc loại hàng hóa có thể bị hư hỏng ngay và thời hạn giao hàng được quy định tại Phụ lục Hợp đồng tính đến ngày 20/05/2004 là chưa hết nên việc Công ty sản xuất bao bì nêu lý do do Công ty Hà Thành không nhận hết số hàng để biện minh cho việc Công ty sản xuất bao bì phải bán hàng đi để tránh rủi ro là không có cơ sở[1].
Bình luận của tác giả:
Về việc Tòa án cho rằng bên bán đã vi phạm hợp đồng khi tự xử lý số hàng có tranh chấp, chúng tôi cho rằng vào thời điểm xét xử, giải pháp này là phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi vì BLDS 1995 và Luật thương mại 1997 không có quy định cho phép hủy hợp đồng trong những trường hợp như vậy. Tuy nhiên, giải pháp này không thuyết phục, không bảo vệ tốt cho bên vi phạm. Trong vụ tranh chấp này, trước khi hết hạn thực hiện hợp đồng, bên mua đã thể hiện việc không thực hiện đúng hợp đồng và việc không thực hiện này đã thực sự xảy ra khi hết hạn thực hiện (Công ty Hà Thành trên thực tế chỉ có thể bán hết số giấy theo hợp đồng vào ngày 14/01/2005). Mặc dù vậy, việc bên bán tự xử lý tài sản trước khi hết thời hạn lại bị coi là vi phạm hợp đồng. Thật là không hợp lý và không công bằng khi không cho phép một bên hủy hay chấm dứt hợp đồng trong khi biết chắc là bên kia sẽ không thực hiện hợp đồng.
Bình luận của người tổng hợp:
Nếu vụ việc tương tự xảy ra và chịu sự chi phối của BLDS 2005 và Luật thương mại 2005 thì giải pháp có khác không? Về cơ bản, BLDS 2005 và Luật thương mại 2005 chỉ quy định chế tài tạm dừng, đình chỉ hay hủy bỏ hợp đồng được áp dụng khi có vi phạm thực tế, tức là khi đã hết thời hạn thực hiện nghĩa vụ. Luật thương mại 2005 chỉ có một quy định công nhận một phần giải pháp này tại khoản 2 Điều 313: “Trường hợp một bên không thực hiện nghĩa vụ đối với một lần giao hàng, cung ứng dịch vụ là cơ sở để bên kia kết luận rằng vi phạm cơ bản sẽ xảy ra đối với những lần giao hàng, cung ứng dịch vụ sau đó thì bên bị vi phạm có quyền tuyên bố hủy bỏ hợp đồng đối với những lần giao hàng, cung ứng dịch vụ sau đó, với điều kiện là bên đó phải thực hiện quyền này trong thời gian hợp lý”.
[1] Có lẽ Tòa án đã vận dụng Điều 293 BLDS 1995 (tương ứng với Điều 288 BLDS 2005) để đưa ra nhận định này. Bởi theo các điều luật này, “Chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ dân sự là khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà người có nghĩa vụ đã thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận, nhưng người có quyền không tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ đó… Đối với tài sản có nguy cơ bị hư hỏng, thì người có nghĩa vụ có quyền bán tài sản đó và trả cho người có quyền khoản tiền thu được từ việc bán tài sản sau khi trừ đi chi phí cần thiết để bảo quản và bán tài sản đó”.
Tác giả: Đỗ Văn Đại
Bình luận
Bình luận bằng Facebook