Vì sao các thương vụ M&A tập trung vào khối tài chính?
Giám đốc Dịch vụ tư vấn của PricewaterhouseCoopers Vietnam nói về hoạt động mua bán và sáp nhập tại Việt Nam...
"Các giao dịch M&A liên quan đến việc mời các nhà đầu tư bên ngoài mua lại cổ phần dù ít hay nhiều được xem như là một chiến lược mang tính sống còn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn".
Ông Stephen Gaskill, Giám đốc Dịch vụ tư vấn của PricewaterhouseCoopers Vietnam nói về hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam trong những tháng qua.
Theo báo cáo mới nhất của PricewaterhouseCoopers, trong những tháng vừa qua, hầu hết các thương vụ mua bán và sáp nhập đều thuộc lĩnh vực tài chính. Theo ông, lý do nào khiến các nhà đầu tư nước ngoài lại quan tâm nhiều đến các công ty trong lĩnh vực này?
Lĩnh vực dịch vụ tài chính những tháng qua hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu do sự thâm nhập của dịch vụ ngân hàng hiện đại tại Việt Nam hiện còn ở mức thấp và số lượng lớn các định chế tài chính nhỏ có thể mong muốn nhận vốn đầu tư mới từ các cổ đông chiến lược nước ngoài, đặc biệt khi vấn đề thanh khoản trong nước và sự suy giảm của thị trường chứng khoán khiến cho việc huy động vốn nội địa trở nên khó khăn hơn.
Việt Nam vẫn là đất nước chủ yếu sử dụng tiền mặt nhưng việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng hiện đang tăng lên nhanh chóng và điều đó mang lại cơ hội đáng kể để phát triển xa hơn. Các báo cáo nghiên cứu chỉ ra rằng lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam hiện tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm kể từ đầu thập kỷ và hiện tại tổng giá trị tài sản đạt khoảng 80 tỷ USD.
Một xu hướng M&A gần đây liên quan đến các công ty chứng khoán ở Việt Nam, trong đó nhiều công ty gặp khó khăn về tài chính do sự đi xuống của thị trường chứng khoán dẫn đến sự suy giảm khối lượng giao dịch, các cuộc IPO mới và hoạt động đầu tư trực tiếp.
Trong bối cảnh các công ty trong lĩnh vực này đang chịu áp lực về tài chính cũng như việc các tập đoàn lập công ty chứng khoán là công ty con bên cạnh mảng hoạt động chính của mình, cộng với tình hình thiếu vốn của các công ty mới được thành lập, nhiều nhà đầu tư trong nước xem ra đang cân nhắc việc rút khỏi lĩnh vực này thông qua việc giải thể hoặc bán cho đối thủ cạnh tranh hoặc tìm đối tác đầu tư chiến lược, nhằm củng cố tình hình tài chính và mang đến kỹ năng chuyên môn cho hoạt động của doanh nghiệp.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước đang gặp khó khăn. Theo ông, M&A có phải là sự lựa chọn tốt nhất cho họ không? Tại sao?
Các giao dịch M&A liên quan đến việc mời các nhà đầu tư bên ngoài mua lại cổ phần dù ít hay nhiều được xem như là một chiến lược mang tính sống còn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn trong tình hình kinh tế hiện tại, giúp các doanh nghiệp phục hồi công việc kinh doanh đang trên bờ vực phải đóng cửa hay phá sản.
Thật khó để đưa ra quyết định có sát nhập với công ty khác hoặc đồng ý bán lại cổ phần cho đối tác đặc biệt là đối với những người đã sáng lập và lãnh đạo công ty từ khi mới bắt đầu.
Tuy nhiên, để tiếp tục tồn tại, các công ty này cần phải suy tính việc thiết lập các mối quan hệ mang tính chiến lược nhằm tiết kiệm chi phí và chia sẻ kỹ năng chuyên môn để có thể cạnh tranh một cách hiệu quả hơn.
Do đó, việc từ bỏ một vài quyền kiểm soát để trở thành một phần của một tổ chức lớn mạnh hơn, và có thể là danh tiếng hơn và có lợi nhuận hơn là cần thiết. Tuy nhiên, việc bán cổ phần của công ty không phải lúc nào cũng là giải pháp.
Một số công ty nhỏ và vừa có thể thích nghi với tình hình kinh tế đang thay đổi nhanh hơn công ty khác và có thể tìm ra thị trường thích hợp cho chính mình và tập trung vào việc là người đi đầu trong mảng thị trường đó hoặc một số khác có thể tìm cách phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ mang tính sáng tạo nhằm tăng cường vị thế cạnh tranh của họ.
Trong bối cảnh hiện tại, ở góc độ vĩ mô, M&A có tốt cho Việt Nam không? Tại sao?
Nhìn chung, M&A đóng một vai trò rất quan trọng và hữu ích trong tất cả các nền kinh tế thị trường trong bất kì điều kiện nào và Việt Nam không phải là một ngoại lệ. Những thương vụ M&A được thực hiện một cách đúng đắn đem lại lợi ích cho các bên, bao gồm người mua, người bán, người tiêu dùng và chính phủ, thông qua việc trả thuế cao.
Có rất nhiều công ty hoạt động không hiệu quả để có thể mang đến những sản phẩm với chất lượng, mẫu mã và giá cả hợp lý. Chủ các công ty đó có thể thiếu vốn để đầu tư nâng cấp hoạt động kinh doanh của họ.
Do đó M&A có thể mở ra một con đường mới nhằm thu hút công nghệ và kỹ năng để hỗ trợ các công ty đó phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực mà công ty đang hoạt động.
Tuy nhiên, khi M&A chỉ tập trung vào một vài lĩnh vực nào đó và nhằm cho phép một số ít công ty chi phối thị trường, nó có thể làm giảm tính cạnh tranh và hạn chế sự phát triển của đất nước. Hiện tại bối cảnh này chưa diễn ra ở Việt Nam, tuy nhiên đó vẫn là vấn đề đáng được suy ngẫm cho tương lai đối với các cơ quan chức năng có liên quan.
Bình luận
Bình luận bằng Facebook