Vũ khí hai lưỡi Trump dùng để đánh bại Clinton
Vũ khí hai lưỡi Trump dùng để đánh bại Clinton
Tỷ phú Trump đã biết cách khai thác nỗi bất bình của người Mỹ đối với các chính sách của Obama, nhưng nó cũng gây áp lực lớn với nỗ lực cải cách của ông.
Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump. Ảnh: Reuters |
Sau khi bà Hillary Clinton bất ngờ bị đối thủ đến từ đảng Cộng hòa Donald Trump đánh bại trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, các lãnh đạo đảng Dân chủ bàng hoàng tìm cách đổ lỗi cho Giám đốc FBI James Comey, cho WikiLeaks, cho chủ nghĩa phân biệt giới tính, nhưng hầu như không ai nhắc đến Tổng thống Barack Obama, người điều hành nước Mỹ suốt giai đoạn đi xuống tồi tệ nhất trong lịch sử đảng Dân chủ, theo WSJ.
Theo bình luận viên Kimberley A. Strassel, phụ trách mục bình luận chính trị Potomac Watch của WSJ, chính những chính sách của Obama trong hai nhiệm kỳ qua là thứ vũ khí quan trọng mà ông Trump đã sử dụng để lôi kéo, vận động người dân ở các bang quan trọng rời bỏ đảng Dân chủ, bỏ phiếu cho mình và giành thắng lợi ngoài dự đoán.
Strassel cho rằng những rạn nứt trong nội bộ đảng Dân chủ đã xuất hiện trong nhiều năm qua, minh chứng gần đây nhất là những cuộc tranh cãi giữa bà Clinton và ông Bernie Sanders trong kỳ bầu cử sơ bộ. Thế nhưng truyền thông Mỹ đã phớt lờ những tranh cãi này, thay vào đó chỉ tập trung khoét sâu vào những chia rẽ trong đảng Cộng hòa.
Hồi tháng 9, ông Obama tuyên bố "Di sản của tôi nằm ở cuộc bầu cử này", và kết quả bầu cử là dấu hiệu cho thấy sự cự tuyệt của cử tri Mỹ đối với các chính sách và cách điều hành của ông nói riêng và đảng Dân chủ nói chung, Strassel nhận định.
Năm 2009, khi Obama mới lên nắm quyền, đảng Dân chủ nắm 257 ghế trong Hạ viện, với các dân biểu trải đều ở các bang. Thế nhưng sau cuộc bầu cử mới đây, họ chỉ còn năm 193 ghế, chủ yếu là các dân biểu đến từ ba bang có truyền thống ủng hộ đảng là New York, California và Massachusetts.
Tại Thượng viện, câu chuyện cũng không hề kém phần u ám với đảng Dân chủ. Năm 2009, đảng này lần đầu tiên nắm quyền kiểm soát Thượng viện kể từ thập niên 1970, nhưng chỉ vài năm sau, số ghế đó dần bốc hơi sau khi Obama thực thi đạo luật ObamaCare đầy tranh cãi mà không thông qua Quốc hội. Cuộc bầu cử 2016 là cơ hội tốt nhất để đảng Dân chủ lấy lại quyền kiểm soát Thượng viện, thế nhưng họ đều thua ở gần như tất cả các bang.
Khi ông Obama nhậm chức, đảng Dân chủ có 29 thành viên giữ chức thống đốc bang. Sau kỳ bầu cử vừa qua, số thống đốc bang thuộc đảng này chỉ còn 15 người, trong khi phiếu bầu ở bang Bắc Carolina vẫn đang được kiểm. Đảng Dân chủ kiểm sát 60 trong 99 cơ quan lập pháp cấp bang vào năm 2010, đến nay con số đó chỉ còn 30.
Lần đầu tiên trong suốt 95 năm qua, đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện bang Kentucky. Với kết quả này, đảng Dân chủ không còn kiểm soát bất cứ cơ quan lập pháp nào ở các bang miền nam. Các đảng viên Dân chủ chỉ còn nắm vị trí thống đốc và lưỡng viện ở 5 bang.
Theo Strassel, những con số trên chính là phản ứng của cử tri với thất bại của đảng Dân chủ, với một tổng thống thường xuyên phớt lờ Quốc hội và thực thi chính sách bằng quyền lực hành chính của mình.
"Tôi cho rằng chúng ta đã đánh giá thấp mức độ người Mỹ không hài lòng với Tổng thống đương nhiệm Obama, khi ông là hiện thân của mối đe dọa với đặc quyền của người da trắng trong xã hội", Phó giáo sư Dan Cassino, Đại học Fairleigh Dickinson, Mỹ, nhận định.
Ông Obama và bà Clinton. Ảnh: Pinterest |
Trong chiến dịch tranh cử của mình, bà Clinton có thể cứu vãn được tình thế bằng cách đưa đảng Dân chủ trở lại con đường ôn hòa từng được chồng mình là Bill Clinton áp dụng thành công để lôi kéo các cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động, những người rất dễ bị cuốn hút bởi khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết", "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" và những lời hứa hẹn giảm thuế, cải thiện công ăn việc làm của ông Trump.
Thế nhưng, bà Clinton đã gần như phớt lờ nhóm người này, mà chỉ tập trung vào phụ nữ, các nhóm thiểu số và người nhập cư. Việc người lao động da trắng đi bỏ phiếu với số lượng lớn, cùng sự thờ ơ với chính trị của một số nhóm thiểu số đã khiến bà phải trả giá đắt, khi ông Trump giành chiến thắng ở 194 trong tổng số 207 hạt chiến trường (swing county) mà ông Obama từng giành được trước đây. Đây có thể coi là sự quay lưng ồ ạt của cử tri đối với đảng Dân chủ do ông Obama và bà Clinton dẫn dắt.
Con dao hai lưỡi
Sự suy giảm quyền lực của đảng Dân chủ lại trở thành cơ hội đối với đảng Cộng hòa, đặc biệt là tỷ phú Trump. Cử tri đã quay lưng với đảng Dân chủ, trao cho ông Trump cơ hội để mang lại sự thay đổi mà ông đã hứa hẹn. Thế nhưng kỳ vọng rất lớn này của cử tri cũng chính là con dao hai lưỡi, bởi họ rất khó có thể chấp nhận bất cứ sai lầm nào của ông.
Thách thức lớn nhất của ông Trump hiện nay chính là nguy cơ về cuộc chiến tương tàn trong nội bộ đảng Cộng hòa. Ông Trump từng bị các lãnh đạo đảng Cộng hòa tuyên bố bỏ rơi, và ông cũng tuyên bố không cần sự ủng hộ của họ, thậm chí sẽ "rút cạn đầm lầy" ở thủ đô Washington, ám chỉ sự hậu thuẫn của các quan chức trong đảng.
Tuy nhiên, nếu ông chọn đối đầu với đảng Cộng hòa, ông có nguy cơ tự tách mình khỏi những người ủng hộ cốt lõi nhất. Tương tự, nếu các thành viên đảng Cộng hòa đang kiểm soát Quốc hội thể hiện quan điểm chống lại những quyết sách của Trump, quyền lực của đảng này sẽ trở nên kém hiệu quả hơn bao giờ hết.
Thách thức nữa mà Trump phải đối mặt chính là "đập đi xây lại" những chính sách của thời Obama với tốc độ nhanh nhất có thể. Trong những tuần tới, đảng Cộng hòa sẽ phải dồn hết sức mình để thống nhất trong những vấn đề quan trọng cần được ưu tiên, như cải cách hệ thống y tế và thuế, nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế. Những thắng lợi sớm này sẽ giúp ông Trump và đảng Cộng hòa có thêm thời gian để thực hiện công cuộc cải cách của mình.
Ông Trump và các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã được bầu với tư cách là những người "chống Obama", có nghĩa là họ được chọn để cải thiện tình hình kinh tế, chính trị Mỹ. Nếu họ làm được điều đó, họ sẽ có cơ hội, còn nếu không, họ sẽ bị đứt tay bởi con dao của chính mình, Strassel nhấn mạnh.
Bình luận
Bình luận bằng Facebook