/ / / / /

Băn khoăn quy định miễn đào tạo nghề trong Dự án Luật Luật sư sửa đổi


Băn khoăn quy định miễn đào tạo nghề trong Dự án Luật Luật sư sửa đổi
Băn khoăn quy định miễn đào tạo nghề trong Dự án Luật Luật sư sửa đổi
Thảo luận về dự án Luật Luật sư (LS) sửa đổi chiều qua – 19/6, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhất trí việc siết chặt các quy định về miễn đào tạo nghề LS nhưng cho rằng, nếu mở rộng quá về đối tượng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ LS.
Nên bổ sung đối tượng được miễn đào tạo nghề Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng quy định chặt chẽ hơn về điều kiện được miễn đào tạo nghề LS và thu hẹp các đối tượng được miễn đào tạo và tập sự hành nghề LS. Theo đó, đối với một số đối tượng đã từng đảm nhiệm các chức danh tư pháp thì phải bảo đảm có đủ 5 năm thực tế công tác trở lên mới được xem xét cho miễn đào tạo và tập sự hành nghề LS. Tán thành quy định chặt hơn việc miễn đào tạo nghề, ĐB Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) không đồng ý mở rộng đối tượng miễn đến công chứng viên, chấp hành viên, thừa phát lại với lý do họ chưa được qua đào tạo nghề. ĐB Hùng cũng đề nghị nên bổ sung đối tượng người đã là trợ giúp viên pháp lý cũng được miễn đào tạo nghề LS, bởi để được công nhận là trợ giúp viên pháp lý, họ đã phải đáp ứng những điều kiện khắt khe theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý. Còn ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) lại lưu ý những người đã từng là LS vì lý do nào đó không hành nghề nữa mà nay muốn quay lại thì cũng nên cho họ miễn đào tạo nghề. ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) thì đề nghị bỏ quy định sỹ quan quân đội làm trong lĩnh vực pháp luật 15 năm được miễn đào tạo nghề vì theo ĐB này “tại sao sỹ quan quân đội lại được miễn mà sỹ quan Công an thì lại không?” Đánh giá dự thảo Luật đã được chuẩn bị công phu, chất lượng, ĐB Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) nhất trí nên mở rộng thêm đối tượng là công chứng viên, chấp hành viên, thừa phát lại được miễn đào tạo nghề. Đây là những người đã có bằng cử nhân luật, đã qua lớp đào tạo các chức danh Tư pháp. Bên cạnh đó, nhiều ĐB Quốc hội đề nghị dự thảo Luật xây dựng chế định LS công trong điều kiện nước ta còn nhiều người nghèo, đối tượng chính sách, những người ít có điều kiện hưởng dịch vụ do LS mang lại. Về thời gian đào tạo, đại đa số ĐBQH cho rằng, thời gian 12 tháng như quy định là phù hợp Lo tình trạng “chân ngoài dài hơn chân trong” Để phát triển đội ngũ LS, Dự thảo Luật LS sửa đổi cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được “kiêm nhiệm” hành nghề LS. ĐB Bùi Văn Xuyền, (Thái Bình) nhất trí cao với quy định này vì cho rằng, đây là đội ngũ có trình độ cao, sẽ bổ sung cho đội ngũ hiện có, việc hành nghề LS cũng giúp họ có thêm điều kiện cọ sát thực tiễn. Tuy nhiên, ĐB Xuyền cũng cho rằng “để làm tốt hai vai cần có sự đồng ý của lãnh đạo nhà trường”. Đại biểu Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) phát biểu tại Hội trưởng. Chung nhận định như ĐB Xuyền, ĐB Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ), ĐB Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) cũng cho rằng, không nên lo lắng giảng viên sẽ dùng giờ hành chính đi làm LS vì họ đã có định mức rõ ràng nên có thể thu xếp, bố trí thời gian để làm LS. Hơn nữa, Luật Viên chức cũng không cấm viên chức làm thêm. Khác với luồng ý kiến ủng hộ cho Giảng viên kiêm LS, ĐB Trần Xuân Hùng (Hà Nam) cho rằng nghề LS đòi hỏi sự tận tâm, chuyên tâm, kiêm nhiệm nhiều khi sẽ gây khó khăn cho cơ quan tố tụng, ảnh hưởng tính vô tư khách quan. Hiện cả nước chỉ có hơn 1 ngàn Giảng viên, chưa phải tất cả số này đều đi làm LS, nếu chỉ vì phát triển đội ngũ như Tờ trình là chưa thỏa đáng. “Không nên quy định như vậy,còn  nếu đã quy định thì phải đưa cả đội ngũ làm pháp luật đủ tiêu chuẩn ở các cơ quan khác”-  ĐB đề nghị. Một số ĐB khác cũng bày tỏ lo ngại tình trạng “chân ngoài dài hơn chân trong” khi cho giảng viên làm LS. Vẫn nên duy trì cấp Giấy chứng nhận bào chữa Dự thảo Luật quy định đối với các vụ án hình sự, vẫn duy trì việc cấp Giấy chứng nhận người bào chữa, nhưng giấy chứng nhận này có giá trị trong toàn bộ các giai đoạn tố tụng, đồng thời, thủ tục cấp Giấy chứng nhận bào chữa được sửa đổi theo hướng đơn giản hóa hơn. ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc), Phạm Văn Hà (Nghệ An), Vi Thị Hương (Điện Biên)...đều đồng tình với dự thảo Luật vì theo họ “giấy chứng nhận là mối liên hệ giữa cơ quan tố tụng và LS. Cấp giấy là loại trừ LS không đủ điều kiện vào tham gia tố tụng”; việc cấp giấy là cần thiết, đặc biệt là đối với các vụ án về xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm có tổ chức, các tội phạm về ma túy. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng tán thành với quy định này, đồng thời đề nghị quy định rõ các căn cứ để cơ quan tiến hành tố tụng từ chối cấp Giấy chứng nhận bào chữa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của luật sư cũng như bảo đảm tốt hơn quyền của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu
Mỗi nội dung của Dự thảo Luật còn nhiều ý kiến khác nhau và mỗi bên đều có những lập luận của mình. Ví dụ giảng viên tham gia tranh tụng thì không nên nhưng tư vấn thì có được không? Đây là gợi ý để chúng ta tiếp tục nghiên cứu. Sau kỳ họp này, cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo, cần tiếp thu, giải trình để hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp sau.
 
Thu Hằng

Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

" Luật sư sống bằng việc BÁN KIẾN THỨC và TRÍ TUỆ, SỰ HIỂU BIẾT. Khách hàng đến với Luật sư để MUA những thứ bạn có. Nếu bạn không những thứ đó thì sẽ bán gì cho khách hàng? Sự UYÊN THÂM trong nghề tạo ra giá trị thật sự cho thân chủ" - Luật sư Vũ Ngọc Dũng -0938188889

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Blog Vũ Văn Dũng. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến