Luật sư góp công lớn xác định sự thật vụ án
Luật sư góp công lớn xác định sự thật vụ án
Ngày 24 và 25/7, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cùng Dự án hỗ trợ thực hiện chính sách của Canada (PIAP) tổ chức hội thảo về pháp luật luật sư. Khai mạc hội thảo, TS Nguyễn Văn Hiện (Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp) cho rằng sau năm năm Luật Luật sư được đưa vào thực thi đã tạo hành lang pháp lý nhằm xây dựng đội ngũ luật sư phát triển về số lượng, tăng về chất lượng. Hoạt động của đội ngũ luật sư cũng đã có những đóng góp thiết thực trong công cuộc cải cách tư pháp
Nhiều khái niệm mơ hồ
Theo luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội nhận xét: Điều 9 của Dự thảo Luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm có những quy định dễ gây nhầm lẫn trong quá trình xác định vi phạm của luật sư. “Ví dụ Điểm b, Khoản 1 nghiêm cấm luật sư cố ý cung cấp tài liệu, vật chứng giả sai sự thật; tham gia hay hướng dẫn khách hàng tạo thông tin, tài liệu chứng cứ sai sự thật để cung cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng; xúi giục người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự khai sai sự thật”, ông Chiến nói. “Có tới 3 cụm từ “sai sự thật” ở đây, nhưng những tài liệu, chứng cứ của vụ án đang trong quá trình điều tra thì chưa thể xác định được là thật hay không, hoặc chứng cứ luật sư thu thập khách quan cũng chưa thể thẩm định đúng - sai”. Theo ông, cần điều chỉnh điểm này cho rõ hơn.
Vẫn tại Khoản 1, Điểm c cấm luật sư tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật quy định khác. Có ý kiến cho rằng, chỉ nên cấm luật sư tiết lộ những thông tin gây hại cho thân chủ. “Nếu vẫn giữ quy định như thế này thì luật sư bó tay”, một luật sư bình luận tại Hội thảo.
Điểm d, Khoản 1 cũng được cho là không rõ ràng và có thể dẫn tới tranh cãi, không xử lý được trong thực tế. Điểm này cấm luật sư đe dọa, gây áp lực nhằm tăng mức thù lao đã thỏa thuận. Tuy nhiên, thế nào là “gây áp lực” thì không được quy định trong luật. Tương tự, Điểm h cấm luật sư từ chối vụ việc đã đảm nhận trừ trường hợp bất khả kháng, khiến cho giới luật sư lo ngại không hiểu thế nào là bất khả kháng, hoặc theo quy định của pháp luật thì cụ thể ra sao?
Trong khi những hành vi bị nghiêm cấm đối với luật sư được quy định tới 10 Điểm tại Khoản 1 thì Khoản 2 chỉ vỏn vẹn một dòng “nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động hành nghề của luật sư”. “Quy định như vậy khiến chúng tôi có cảm giác không bình đẳng và bị áp chế nhiều quá”, Luật sư Nguyễn Văn Chiến cho biết.
Giám sát tốt hoạt động tố tụng
PGS-TS Trần Văn Độ (Phó Chánh án TAND Tối cao) đã đánh giá rất cao vai trò của đội ngũ luật sư trong hoạt động tố tụng hình sự. Đội ngũ luật sư không những giúp cho tòa án xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, đầy đủ mà còn giúp cho nhiều vụ án có thể đạt được nhiều thỏa thuận về vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Nếu không có luật sư, nhiều khả năng các bên trong vụ án hình sự sẽ khó mà thống nhất với nhau về những nội dung bồi thường thiệt hại đã xảy ra. Ngoài ra, sự tham gia của luật sư còn có ý nghĩa to lớn trong việc đảm bảo sự tuân thủ nguyên tắc pháp chế, yêu cầu thượng tôn pháp luật tố tụng hình sự. Có thể nói luật sư là người giám sát tốt nhất các hoạt động tố tụng trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Tuy nhiên, ông Độ cũng cho rằng một bộ phận luật sư hiện trình độ chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội. Có nhiều trường hợp luật sư tham gia nhưng lại với tinh thần gây rối hoạt động tố tụng, làm nhiễu, không tập trung thực hiện chức năng của mình như phân tích hồ sơ, tìm chứng cứ gỡ tội… mà đi đường vòng, vận động bằng nhiều hình thức làm hư cán bộ tiến hành tố tụng. Do vậy với vấn đề này, luật sư phải tự soi lại mình.
Luật sư đang bào chữa cho bị cáo tại một phiên tòa lưu động. Ảnh: HTD
Mở rộng quyền luật sư
Vấn đề luật sư bị làm khó, nhất là trong giai đoạn điều tra, cũng được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý. Điều 27 quy định về hoạt động tham gia tố tụng của luật sư. Theo đó, khi tham gia tố tụng hình sự, luật sư vẫn phải đề nghị cấp Giấy chứng nhận bào chữa và Giấy này có giá trị trong các giai đoạn tố tụng. Lâu nay, giới luật sư cho rằng, thủ tục cấp giấy chứng nhận là rào cản đối với luật sư trong việc tham gia bào chữa cho bị cáo trong vụ án hình sự. Việc quy định như vậy đã đặt luật sư vào một địa vị pháp lý luôn thấp hơn so với những người tiến hành tố tụng vì phải xuất trình những giấy tờ cần thiết chứng minh mình là luật sư được khách hàng yêu cầu, thì mới được các cơ quan tiến hành tố tụng cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng của luật sư. Thực tiễn áp dụng Luật Luật sư 2006 cho thấy, các cơ quan tiến hành tố tụng điển hình là cơ quan điều tra thường xuyên vi phạm việc cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư. Thời hạn cấp Giấy chứng nhận tham gia tố tụng của luật sư là 03 ngày (theo quy định khoản 3 điều 27, Luật Luật sư 2006) hầu như không được bảo đảm, chưa nói tới một số cá nhân các cơ quan tiến hành tố tụng còn đòi hỏi luật sư xuất trình thêm các giấy tờ ngoài quy định của Luật Luật sư đó là xuất trình thêm chứng chỉ hành nghề luật sư, hợp đồng dịch vụ pháp lý của luật sư với khách hàng.
Theo ông Trần Văn Độ, hiện pháp luật tố tụng hình sự không quy định cụ thể những trường hợp nào không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận bào chữa nên nhiều lúc cơ quan tiến hành tố tụng viện đủ lý do để từ chối. Do vậy, cần có sự bổ sung quy định đối với những trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận bào chữa, nếu không thuộc các trường hợp đó, cơ quan tiến hành tố tụng phải có nghĩa vụ cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư.
Đại tá Đoàn Tất Kỉnh (Phó Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT - Bộ Công an) đồng tình với quan điểm trên. Đồng thời theo ông, về vấn đề nên giữ hay bỏ việc cấp giấy chứng nhận bào chữa thì cần giữ nguyên việc cấp giấy chứng nhận bào chữa như hiện nay. Thứ nhất, giấy chứng nhận bào chữa thể hiện sự đồng ý của bị can, bị cáo. Khi cấp giấy chứng nhận bào chữa cũng là lúc phát sinh các quyền và nghĩa vụ của người bào chữa theo quy định. Thứ hai, nhà tạm giam, tạm giữ là nơi quan trọng phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Giấy chứng nhận bào chữa chính là giấy thông hành cho luật sư vào được nơi đây để gặp bị can, bị cáo. Thứ ba, có giấy chứng nhận bào chữa thì khi luật sư vi phạm cơ quan tố tụng sẽ thu hồi.
Nhiều ý kiến cho rằng cũng cần phải mở rộng hơn nữa quyền được tham gia ngay từ giai đoạn đầu vụ án như tham gia khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, dựng lại hiện trường... của luật sư.
Ngày đầu tiên của hội thảo chủ yếu dành thời gian cho các đại biểu đọc tham luận. Vào ngày 25/7, phần thảo luận đối với các vấn đề còn gây nhiều ý kiến trái chiều trong dự thảo Luật Luật sư được các đại biểu tham gia thảo luận.
Theo Báo Pháp luật TP.HCM, Đại biểu nhân dân
Tổng hợp
Bình luận
Bình luận bằng Facebook