Có một thực tế gây bức xúc hiện nay tại một số địa phương là không ít khu đất công có vị trí đắc địa dù không thông qua đấu giá đã được giao cho doanh nghiệp, xây thành cao ốc văn phòng, nhà ở... Nhiều khu đất công sản được doanh nghiệp mua nhưng không sử dụng đúng mục đích như tờ trình xin mua ban đầu mà đem bán để hưởng chênh lệch.

Cá biệt, như trường hợp Vũ "nhôm" thâu tóm đất vàng công sở tại Đà Nẵng mới gây rúng động dư luận thời gian gần đây, hay trường hợp Tập đoàn Lã Vọng dễ dàng thâu tóm nhiều dự án BT hàng nghìn tỷ đồng, để đổi lại quỹ đất tương ứng hàng trăm héc-ta tại nhiều vị trí đắc địa ở Hà Nội. Dư luận một lần nữa đặt ra câu hỏi: Hình thức kinh doanh BT của Lã Vọng có phải là chiến lược tương tự như tập đoàn của Vũ "nhôm"? Chỉ Lã Vọng hay còn bao nhiêu Vũ "nhôm" đang tồn tại? 

Giới chuyên gia cho rằng, tình trạng "chảy máu” đất vàng, đất công sản là do nhiều nguyên nhân. Từ những bất cập, thiếu đồng bộ trong hệ thống chính sách, nhận thức chưa đầy đủ của một số người đến tình trạng lạm dụng kẽ hở luật định, sự không tuân thủ đúng hoặc thiếu công khai, minh bạch trong tính toán giá trị và có lợi ích nhóm.

Cafe cuối tuần này xin giới thiệu các vị khách mời: PGS.TS. Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13; TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội; TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam; Luật sư Vũ Ngọc Dũng, Giám đốc Công ty Luật Bắc Việt.


PV: Sau câu chuyện đại gia Vũ "nhôm" thâu tóm hàng loạt "đất vàng" ở Đà Nẵng đã khiến dư luận xã hội phải đặt câu hỏi: Vì sao "đất vàng", "đất kim cương", tài sản công lại dễ dàng rơi vào tay một vài doanh nghiệp? Thưa TS. Phạm Sỹ Liêm, câu trả lời của ông cho vấn đề này như thế nào?

TS. Phạm Sỹ Liêm: Đà Nẵng có chủ trương gom các trụ sở hành chính vào một tòa nhà cao tầng. Đây cũng là chủ trương của nhiều tỉnh, Bình Dương, Hải Dương... cũng bắt đầu có xu hướng tập trung các trụ sở hành chính về một tòa nhà cao tầng, hoặc một khu và các trụ sở cũ được bán đi. Phải hiểu rằng bán trụ sở chứ không phải bán đất. 

Nhưng ở Đà Nẵng, Vũ "nhôm" đã thâu tóm được khá nhiều đất công sở sau đó phá đi để xây biệt thự, kinh doanh hoặc bán. Câu chuyện ở đây cần quan tâm là đất công trụ sở cũ sẽ làm gì? Đây vẫn đang là câu hỏi đặt ra không chỉ ở Hà Nội mà còn ở các địa phương khác.

Trong đô thị, mọi việc đều theo quy hoạch, những khu đất công đó quy hoạch làm gì thì phải rõ ràng, không phải là phá đi, trụ sở di chuyển đi rồi ai muốn làm gì thì làm. Ai mua mà không dùng theo chức năng cũ, muốn thay đổi cũng phải theo quy hoạch. Doanh nghiệp mua đất là để phát triển chứ không phải là để giữ như cũ, nói cách khác, có thể hiểu ngầm rằng việc mua trụ sở là để lấy đất.

Tình trạng các khu đất có vị trí đắc địa, "đất vàng", "đất kim cương" thường tập trung vào một vài doanh nghiệp, tôi cho rằng có lợi ích nhóm, chứ tự dưng vô duyên vô cớ trao những khu đất đẹp cho doanh nghiệp làm gì nếu doanh nghiệp không "lễ phép". Nếu không công khai minh bạch, âm thầm chỉ định với nhau thì có tham nhũng, có lợi ích nhóm. Lợi ích nhóm làm hại không chỉ tiền của mà còn làm hại cả sự vận hành của đô thị.


PV: Thưa TS. Đào Ngọc Nghiêm, cũng từ câu chuyện Vũ "nhôm", theo ông việc để một tập đoàn lớn thâu tóm "đất vàng" tài sản công sẽ dẫn đến hệ lụy như thế nào đối với thị trường bất động sản và nền kinh tế đất nước?

TS. Đào Ngọc Nghiêm: Bài học từ Đà Nẵng cho chúng ta thấy cần phải có một cơ chế rõ ràng cho câu chuyện đất công, tài sản công để quản lý khai thác hiệu quả quỹ đất này. Trong những năm qua chuyện đất công cũng là vấn đề mà Hà Nội thực sự quan tâm. Chúng ta cũng biết quỹ "đất vàng" đã được quy định để làm các công trình dịch vụ, không gian xanh, công viên… nhưng khó có thể kêu gọi doanh nghiệp thực hiện các mục tiêu đó. Khi các doanh nghiệp thâu tóm được "đất vàng", bao giờ họ cũng chú trọng đến phát triển theo mục tiêu kinh doanh để đảm bảo lợi ích.

Vấn đề đặt ra là phải xác định được lợi ích của ba bên doanh nghiệp, chính quyền và cộng đồng. Muốn vậy rõ ràng cần có một cơ chế chứ không thể để chỉ một doanh nghiệp "thâu tóm”, phải tìm ra sự hài hòa không chỉ trong chuyện đấu thầu dự án mà còn hài hòa trong tổng thể cả đô thị. Nhưng đến nay, chúng ta chưa có cơ chế này. 

Đó là một vấn đề nổi cộm của câu chuyện "chảy máu" tài sản đất công, ảnh hưởng đến công tác quản lý chung, ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị, đặc biệt là trong chuyện nâng cao chất lượng sống cho người dân. Nếu không chú ý sẽ dẫn đến các hệ lụy khác. 


PV: TS. Đào Ngọc Nghiêm vừa nhận định, hiện tượng thâu tóm và thao túng "đất vàng" có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, vậy thưa tiến sỹ, theo ông còn bao nhiêu Vũ "nhôm" trong thị trường bất động sản? Và chúng ta đánh giá câu chuyện lợi ích nhóm trong sở hữu đất vàng, tài sản công như thế nào?

TS. Đào Ngọc Nghiêm: Theo tôi, không chỉ Hà Nội mà các địa phương khác cũng có không ít các doanh nghiệp hoạt động giống như tập đoàn Vũ "nhôm". Đến giờ chúng ta vẫn không biết những khu "đất vàng", đất công bị biến thành khu cao tầng, đất tư thì nhà nước thu về được bao nhiêu so với giá trị thực của thị trường. Và liệu tiền thu vào ngân sách nhỏ giọt từ việc "hô biến" đất công thành đất tư có đủ để bù đắp cho những hệ lụy mà nó mang lại?

Nói thẳng ra, những đề xuất đó đem lại lợi ích cho một nhóm người, còn hệ quả thì người dân và cả thành phố phải gánh chịu. Nhà nước đã ban hành rất nhiều luật, nghị định, quyết định liên quan đến đất đai và xây dựng nhưng vấn đề ở đây là phân công, phân cấp và xác định trách nhiệm vẫn chưa được làm rõ.

Trong thời gian qua, bài học kinh nghiệm tại Hà Nội là sai phạm trong việc xây dựng công trình cao tầng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này vẫn là quản lý không đồng bộ trong cả quy trình, phân cấp quản lý và kiểm tra xử lý vi phạm chưa rõ ràng.

Chúng ta cũng đã có Luật Quản lý sử dụng tài sản công nhưng đó mới chỉ tạo ra bộ khung pháp lý cơ bản. Trong việc sử dụng quỹ đất công, buộc chúng ta cần phải có những nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể đi kèm nhằm đảm bảo Luật được thực hiện nghiêm chỉnh và minh bạch. Thậm chí về lâu dài, cũng cần phải nhanh chóng có nhưng thay đổi về quy định quản lý tài sản đất đai công để phù hợp với thực tiễn.

PV: Nhân TS. Đào Ngọc Nghiêm đề cập đến câu chuyện pháp lý, có quan điểm cho rằng, những quy định của luật pháp về đấu giá, chuyển đổi, chuyển nhượng nhà, đất đang bộc lộ hàng loạt kẽ hở đã "tạo điều kiện” cho không ít các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng trục lợi. 


Trước thực tế này, thưa Luật sư Vũ Ngọc Dũng theo ông những kẽ hở ở đây là gì? Và với vai trò là luật sư, ông có kiến nghị giải pháp nào để các "nhóm lợi ích” hết cơ hội trục lợi từ "đất vàng” và nhà đất công sản?