/ / / /

Doanh nghiệp xã hội và doanh nhân xã hội trong lĩnh vực bất động sản! Tại sao không??


Doanh nghiệp xã hội và doanh nhân xã hội trong lĩnh vực bất động sản! Tại sao không??

Doanh nghiệp xã hội và doanh nhân xã hội trong lĩnh vực bất động sản! Tại sao không?

Doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp gì?

"Doanh nghiệp xã hội được hiểu là một tổ chức có các hoạt động kinh doanh nhằm thực hiện các mục tiêu mang tính xã hội, lợi nhuận thu được sử dụng để tái đầu tư cho mục tiêu đó hoặc cho cộng đồng, thay vì tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông hoặc chủ sở hữu”

Theo quy định tại Điều 10 Luật Doanh nghiệp sửa đổi thì Doanh nghiệp xã hội là DN được đăng ký thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Doanh nghiệp xã hội sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của DN để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký, chứ không nhằm mục tiêu chia cho cổ đông hay thành viên như các doanh nghiệp thông thường. Doanh nghiệp xã hội có quyền kinh doanh tạo nguồn thu để bù đắp chi phí và phát triển các giá trị xã hội, tuyệt nhiên không phải để tối đa hóa lợi nhuận.

Do đó, doanh nghiệp xã hội trước hết là doanh nghiệp như các doanh nghiệp thông thường, nhưng mục tiêu hoạt động khác doanh nghiệp thông thường ở chỗ hướng về xã hội và tạo ra lợi nhuận để giải quyết các vấn đề xã hội thay vì chia cho cổ đông/thành viên.


Vậy doanh nghiệp Xã hội có gì khác doanh nghiệp thường?

Như ta biết theo quy định của Luật doanh nghiệp thì doanh nghiệp xã hội trước hết có phần giống doanh nghiệp thông thường ở chỗ: cũng thực hiện đăng ký kinh doanh bình thường và không có điều kiện gì quá khác biệt so với doanh nghiệp thong thường. Về hình thức đănhg ký vẫn là Công ty cổ phần, TNHH 1 thành viên hoặc 2 thành viên trở lên, hoặc doanh nghiệp tư nhân. Với lĩnh vực ngành nghề doanh nghiệp xã hội hoạt động đầy đủ các ngành nghề như quy định của pháp luật doanh nghiệp và vẫn phải đáp ứng các điều kiện nếu thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện như quy định. Về mục đích hoạt động thì khác biệt so với các doanh nghiệp thông thường khác là ở chỗ: hoạt động vì " mục đích xã hội” là trên hết chứ không phải vì mục đích "lợi nhuận” là trên hết. Việc phân bổ lợi nhuận cũng dùng cho tái đầu tư giải quyết các vấn đề mục tiêu xã hội trên 51% thay vì phân bổ cho các cổ đông và người góp vốn.

Từ năm 2015 tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 96/2015/NĐ-CP thì Doanh nghiệp có thể bổ sung thêm cụm từ "xã hội” vào tên riêng của doanh nghiệp xã hội. Ví dụ như Công ty TNHH xã hội ABC. Đây là một quy phạm tùy nghi và khi thành lập chủ doanh nghiệp có thể tự quyết định. Hiện tại luật Doanh nghiệp và văn bản hướng dẫn thi hành cũng chưa thấy có quy định cấm nào kèm theo danh sách không được sử dụng cụm từ "doanh nghiệp xã hội” khi đăng ký kinh doanh thông thường. Do vậy cần có quy định rõ về trường hợp cấm sử dụng cụm từ này khi đăng ký kinh doanh mới đầy đủ.


Vậy mục tiêu của một doanh nghiệp xã hội quy định ra sao và đáp ứng điều kiện thế nào?

Hiện tại, pháp luật có quy định về mục tiêu của doanh nghiệp xã hội phải đáp ứng là doanh nghiệp xã hội phải có mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường..vì lợi ích chung của cộng đồng xã hội.

Tại quy định điểm b, khoản 1 Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2014, thì "doanh nghiệp xã hội có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng. Các vấn đề xã hội, môi trường và cộng đồng như bảo vệ môi trường, bảo vệ và đáp ứng các quyền cơ bản của con người thông qua các hoạt động tạo công ăn việc làm cho những nhóm người khó hòa nhập, dễ bị tổn thương, cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục, cung cấp nước sạch, xử lý rác thải, ô nhiễm…" và khi đó xã hội sẽ được hình thành nên các " doanh nhân xã hội” cấp tiến.

Để đảm bảo các doanh nghiệp xã hội luôn tôn chỉ mục đích hoạt động, pháp luật yêu cầu phải "cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường cho cơ quan đăng ký kinh doanh, để công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi thành lập doanh nghiệp hoặc trong quá trình hoạt động". Quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 96/2015/NĐ-CP quy định rất cụ thể rằng: Doanh nghiệp xã hội phải thông báo. Việc thông báo trên cổng thông tin quốc gia như một điều kiện bắt buộc để " danh chính, ngôn thuận” trước xã hội. Hành động pháp lý này khiến cho Nhà nước và xã hội có thể nhận biết được địa vị pháp lý của DNXH, kèm theo đó là các quyền và nghĩa vụ của DNXH mà xã hội phải theo dõi, giám sát để chống việc lạm dụng tên " doanh nghiệp xã hội” trong các hoạt động huy động nguồn vốn hay nhận tài trợ..

Như vậy, yếu tố lợi nhuận không phải là yếu tố lớn nhất của Doanh nghiệp xã hội và "doanh nhân xã hội” hướng tới. Vấn đề lớn nhất và để thỏa mãn cho đặc danh " doanh nghiệp xã hội"hay doanh nhân xã hội" là việc thỏa mãn yếu tố giải quyết các vấn đề xã hội, các mục tiêu vì lợi ích cộng đồng. Trong hoạt động doanh nghiệp, mục tiêu " có lợi nhuận" là luôn được đặt ra khi sử dụng từ " doanh nghiệp" và với bất cứ doanh nghiệp nào. Tuy nhiên mục tiêu đạt lợi nhuận đó là khác nhau. Với doanh nghiệp thông thường thì mục tiêu để có " lợi nhuận" là tối quan trọng và là tôn chỉ để tồn tại doanh nghiệp đó. Nhưng với doanh nghiệp xã hội thì mục tiêu lợi nhuận cũng đặt ra nhưng không phải là đích đến mà giải quyết các vấn đề xã hội mới là đích đến và mục tiêu " vì xã hội" sẽ cao hơn tất cả. Có lợi nhuận để thực hiện mục tiêu vì xã hội, để tái đầu tư và thực hiện nhiều hành động khác giúp ích cho xã hội.

Mặc dù trong hoạt động doanh nghiệp, những doanh nghiệp thông thường cũng cần phải có trách nhiệm với xã hội. Tuy nhiên ở góc độ Doanh nghiệp xã hội thì việc có trách nhiệm với xã hội ở một tầm cao hơn, mục tiêu rõ ràng hơn và đích đến cũng luôn được đặt ra là ở chỗ" vì xã hội" và giải quyết các vấn đề xã hội thay vì hành động có trách nhiệm với xã hội của doanh nhân thông thường.

Do đó, hình thành nên các doanh nghiệp xã hội trong tất cả các lĩnh vực là điều có thể. Với lĩnh vực bất động sản cũng vậy, cũng cần có những doanh nghiệp xã hội bất động sản để có thể tạo nguồn lực giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội trong lĩnh vực bất động sản cũng như các tồn đọng xã hội khác.


Vậy lợi nhuận dùng làm gì trong các doanh nghiệp xã hội?Và nếu là doanh nghiệp xã hội về bất động sản thì sao?

Với doanh nghiệp thông thường trong kinh doanh bất động sản thì sử dụng lợi nhuận để phân phối cho cổ đông và sử dụng cho mục tiêu chia lợi nhuận. Với doanh nghiệp xã hội kinh doanh bất động sản và các " doanh nhân xã hội" trong lĩnh vực bất động sản sẽ sử dụng phần lớn lợi nhuận để tái đầu tư giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường hoặc các tồn đọng của xã hội. Các mục tiêu xã hội vào lúc này được phân bổ tài chính từ nguồn lợi nhuận có được để thực hiện. Mục tiêu môi trường, giải quyết các vấn đề xã hội nhờ đó mà được tốt đẹp lên. Doanh nghiệp xã hội bất động sảnvới tiêu chí sử dụng lợi nhuận ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký mới thỏa mãn với chiếc áo " doanh nghiệp xã hội” và được xem như một " doanh nhân xã hội” đầy trách nhiệm và kính trọng.

Việc sử dụng lợi nhuận sau kinh doanh vào các mục đích xã hội chính là sứ mệnh to lớn, cao cả cuả các DNXH mà khi soạn thảo Luật các nhà lập pháp đã đề ra ngay từ đầu, từ đó khiến hình ảnh của loại doanh nghiệp này khác hẳn với doanh nghiệp thông thường và các tổ chức làm công tác " huy động từ thiện” hay từ thiện tự có phát tâm.

Ở một số nước Châu Âu, các công ty Bất động sản thực hiện phân bổ một phần lợi nhuận để thành lập ra các doanh nghiệp xã hội độc lập khác trong lĩnh vực bất động sản. Các công ty được thành lập ra hoàn toàn tách biệt về pháp nhân cũ và khác biệt mục tiêu với công ty bất động sản sinh ra nó. Tôn chỉ mục đích hoạt động và là một pháp nhân độc lập khiến cho các”doanh nhân xã hội” đã thúc đẩy cao hơn "trách nhiệm xã hội” của mình thành "xứ mệnh xã hội” để cùng bắt tay tham gia vào việc xử lý các tồn đọng trong xã hội như môi trường, việc làm, giải quyết vấn nạn. Các doanh nghiệp xã hội bất động sản hoạt động vì mục tiêu xây dựng chỗ ở cho người nghèo, hay xử lý môi trường trong quá trình xây dựng, hoặc xanh hóa công cộng, hoặc sử dụng công nghệ vào xử lý toàn bộ quá trình đô thị hóa các thành phố hay đầu tư công nghệ vào khiến quốc gia đó ngày càng có nhiều " công trình xanh”, " công trình an sinh”, nhà cộng đồng, hay các mô hình trợ giúp người vô gia cư, giải quyết thất nghiệp từ nguồn lợi nhuận trên 51% trích ra đó.

Mặc dù có tính chất” lai tạp” giữa một doanh nghiệp kinh doanh thông thường với một tổ chức hoạt động từ thiện, nhân đạo. Nó được kết hợp giữa một bên "tinh cha”- là một doanh nghiệp vì lợi nhuận và một bên là " huyết mẹ”- tổ chức phi lợi nhuận phục vụ lợi ích xã hội để tạo thành một doanh nghệp có bản chất "lưỡng tính” là phối kết hợp hai mục tiêu.

Điều nhân văn nhất của một doanh nghiệp xã hội là không phải chỉ đơn thuần đi huy động các nguồn lực xã hội và đóng góp từ thiện hữu hạn để thực hiện các mục tiêu xã hội, mà nó đã vận hành ở một mức cao hơn là biết tự làm ra lợi nhuận và sử dụng lợi nhuận đó quay vòng lại để phục vụ mục tiêu xã hội. Các doanh nghiệp bất động sản xã hội thường lấy mục đích kinh doanh sinh lời để tạo ra nguồn tài chính chủ động để tái đầu tư cho các vấn đề xã hội như: nước sạch, cây xanh, năng lượng, môi trường, việc làm, sinh thái…. và nó tự tạo ra một vòng lặp không lệ thuộc vào "quyên góp”.

Các " doanh nhân thuần túy” cũng đã cựa mình biến đổi thành một " doanh nhân xã hội” khi trích ra từ nguồn lợi nhuận của công ty kinh doanh thuần túy của mình và tạo ra một doanh nghiệp xã hội bên cạnh trong hệ thống tập đoàn.

Ví dụ như: Tập đoàn Vingroup có thể trích một khoản lợi nhuận và thành lập một doanh nghiệp xã hội . Doanh nghiệp xã hội đó vẫn hoạt động bất động sản. 51% lợi nhuận từ doanh nghiệp xã hội này được tái đầu tư phục vụ dân sinh, tạo sinh thái, việc làm, bảo vệ môi trường hay bất kể mục tiêu vấn nạn nào của một xã hội đang phát triển và đối mặt.

Việc tạo ra các doanh nghiệp xã hội từ các tập đoàn bất động sản, các doanh nhân lớn sẽ tạo nên một hệ sinh thái các doanh nghiệp xã hội và tiên phong là các doanh nhân xã hội trong lĩnh vực bất động sản. Một góc nhìn nhân văn và vượt lên trên cả vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nhân. Những con người kinh doanh được xã hội vinh danh ở một góc độ mới” doanh nhân xã hội”. Đây chính là nhân tố chính và cốt lõi tạo nên một đất nước phát triển bền vững. Có xây dựng, có kiến thiết, có bảo vệ và có trợ giúp xã hội để tạo thành một môi trường có nhiều " doanh nhân xã hội” đầy nhân đạo và nhiều hơn nữa doanh nghiệp phát triển vì mục tiêu xã hội tốt đẹp trong lĩnh vực bất động sản.


Quyền của doanh nghiệp xã hội Bất động sản và nghĩa vụ ra sao?

Phải nói rằng các doanh nghiệp xã hội bất động sản sẽ có một đặc thù riêng và tương đối khác biệt. DNXH sẽ bao gồm cả những quyền và nghĩa vụ nói chung của doanh nghiệp và quyền và nghĩa vụ đặc thù được xây dựng bởi mục tiêu phát triển của nó. Vậy khi một doanh nghiệp xã hội bất động sản được thành lập thì sẽ có quyền ưu đãi và nghĩa vụ ra sao? ( Được quy định tại khoản 2, Điều 10, Luật doanh nghiệp 2014):

Thứ nhất, doanh nghiệp đó phải là doanh nghiệp được thành lập theo Luật doanh nghiệp;

Thứ hai, doanh nghiệp bất động sản đó phải có mục tiêu đăng ký nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng;

Thứ ba, doanh nghiệp xã hội bất động sản sẽ phải sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký. Trường hợp DNXH vi phạm nghĩa vụ này thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01/6/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Thứ tư, duy trì mục tiêu và điều kiện quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này trong suốt quá trình hoạt động; trường hợp doanh nghiệp đang hoạt động muốn chuyển thành doanh nghiệp xã hội hoặc doanh nghiệp xã hội muốn từ bỏ mục tiêu xã hội, môi trường, không sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư thì doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền để tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật;

Thứ năm, chủ sở hữu doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp xã hội được xem xét, tạo thuận lợi và hỗ trợ trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật;

Thứ sáu, được huy động và nhận tài trợ dưới các hình thức khác nhau từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác của Việt Nam và nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động của doanh nghiệp;

Thứ bảy, không được sử dụng các khoản tài trợ huy động được cho mục đích khác ngoài bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký;

Thứ tám, nếu trường hợp được nhận các ưu đãi, hỗ trợ, doanh nghiệp xã hội phải định kỳ hằng năm báo cáo cơ quan có thẩm quyền về tình hình hoạt động của doanh nghiệp

Nhìn nhận từ những quy định trên thì chúng ta thấy việc cho ra đời Doanh nghiệp xã hội là một bước phát triển đầy nhân văn của pháp luật doanh nghiệp. Cụ thể trong lĩnh vực bất động sản việc ra đời các doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực bất động sản thì càng cần thiết hơn bởi lẽ đây là một lĩnh vực chiếm lượng lớn nguồn lực xã hội, tài chính quốc gia và nhiều tồn đọng xã hội trong thời buổi kinh tế thị trường nhất.


Làm thế nào để thúc đẩy các tập đoàn bất động sản tham gia thành lập doanh nghiệp xã hội bất động sản?

Để các doanh nhân, các tập đoàn bất động sản tham gia vào việc thành lập các doanh nghiệp xã hội và hình thành nên các " doanh nhân xã hội” trong lĩnh vực bất động sản thì ngoài quy định của Luật doanh nghiệp 2014 có cụ thể tại Điều 10 Luật doanh nghiệp 2014 ra thì cần có những chính sách cụ thể hơn nữa ở 2 mặt:

Một mặt, cần thúc đẩy các văn bản dưới Luật như Nghị định, thông tư và sự phối kết hợp dự thảo các chính sách ở các ngành, lĩnh vực liên quan. Ngoài Nghị định số 96/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành của Luật Doanh nghiệp năm 2014 chưa quy định cụ thể vấn đề ưu đãi này thì cần có các văn bản chuyên ngành khác về: Thuế, lãi suất, đầu tư, nhân lực… và các ưu đãi khác quy định thống nhất trong hệ thống pháp luật để thúc đẩy chủ thể đặc biệt này phát triển nhằm "gánh đỡ” bớt một phần trách nhiệm mà nhà nước đang phải thực hiện. Đồng thời khi các công ty bất động sản lớn tham gia thành lập các doanh nghiệp xã hội thì cũng được hưởng các chính sách ưu đãi tương ứng với những mục tiêu và nghĩa vụ mà doanh nghiệp đó thực hiện.

Mặc khác, cần xây dựng chế tài chặt chẽ, hạn chế, cấm những doanh nghiệp " lợi dụng” cụm từ " doanh nghiệp xã hội” để đánh lận con đen và núp danh dưới doanh nghiệp xã hội để trục lợi trong khi không thực hiện các mục tiêu xã hội của loại hình doanh nghiệp này. Bên cạnh đó các ưu đãi khi bị lạm dụng và quản lý dễ dãi trong vấn đề đặt tên doanh nghiệp về hình thức "doanh nghiệp xã hội” trong lĩnh vực bất động sản cũng sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp xã hội tôn chỉ mục tiêu thật sự. Các quy định của Bộ kế hoạch đầu tư trong vấn đề đặt tên doanh nghiệp và sử dụng cụm từ " doanh nghiệp xã hội” cần chặt chẽ hơn nữa ở khâu đăng ký và khâu hậu kiểm và báo cáo.


Doanh nhân công trình xanh hay những nhà sản xuất bất động sản sao không đặt mục tiêu trở thành " doanh nghiệp xã hội" và " doanh nhân xã hội"?

Trong lĩnh vực bất động sản, những doanh nhân lấn thân vào lĩnh vực công trình xanh cũng là những doanh nhân dũng cảm. Những doanh nhân này khi đã thành đạt có thể sẽ là mũi nhọn trong việc đảm nhiệm trách nhiệm xã hội của doanh nhân. Họ đóng góp nhiều hơn cho xã hội về cả giải pháp, tài chính, tài trợ, năng lượng, môi trường, việc làm, an sinh. Điển hình như ông Đỗ Đức Đạt chủ tịch Ecolife capitol hay, Tập đoàn Phúc Khang của doanh nhân Lưu Thanh Mẫu, FLC của doanh nhân Trịnh Văn Quyết, Ecopark…

Tuy nhiên khi thành công tới đỉnh cao của sự nghiệp các doanh nhân, thay vì thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nhân thì tại sao không nâng lên một tầm cao mới để thực hiện một phần"mục tiêu xã hội” thay vì " mục tiêu lợi nhuận” bằng việc thành lập các Doanh nghiệp xã hội. Các doanh nhân có thể trích một phần lợi nhuận kinh doanh của tập đoàn thành lập ra các pháp nhân xã hội độc lập và trở thành các " doanh nhân xã hội” đầy nhân văn và cao thượng?! Xã hội sẽ xem đó như những tượng đài trong công cuộc đóng góp và xây dựng kiến thiết đất nước cũng như giải quyết các vấn nạn xã hội như: việc làm, thất nghiệp, môi trường..

Luật sư Vũ Ngọc Dũng – www.vungocdung.com. Mọi ý kiến đóng góp hay tư vấn thành lập doanh nghiệp xã hội xin email cho chúng tôi tại địa chỉ l[email protected] . Chân thành cảm ơn!

Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

" Luật sư sống bằng việc BÁN KIẾN THỨC và TRÍ TUỆ, SỰ HIỂU BIẾT. Khách hàng đến với Luật sư để MUA những thứ bạn có. Nếu bạn không những thứ đó thì sẽ bán gì cho khách hàng? Sự UYÊN THÂM trong nghề tạo ra giá trị thật sự cho thân chủ" - Luật sư Vũ Ngọc Dũng -0938188889

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Blog Vũ Văn Dũng. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến