/ / / /

Chính phủ Anh cân nhắc ban hành quy định pháp lý về tiền kỹ thuật số, Nga, Canada chạy đua về Crypto


Chính phủ Anh cân nhắc ban hành quy định pháp lý về tiền kỹ thuật số, Nga, Canada chạy đua về Crypto

Chính phủ Anh cân nhắc ban hành quy định pháp lý về tiền kỹ thuật số


 

Thủ tướng Anh Rishi Sunak, khi còn là Bộ trưởng Tài chính, đã bày tỏ tham vọng biến nước Anh trở thành “trung tâm toàn cầu về công nghệ tiền kỹ thuật số.”

Quốc vụ khanh phụ trách Kinh tế Anh Andrew Griffith ngày 17/4 đã để ngỏ khả năng nước này sẽ ban hành các quy định pháp lý cụ thể về quản lý lĩnh vực tiền kỹ thuật số trong vòng 12 tháng tới.

Trước đó, hồi tháng Hai, Chính phủ Anh đã đưa ra các kế hoạch nhằm quản lý các loại tiền kỹ thuật số và đưa ra các đề xuất để tham khảo ý kiến. Thời gian tham vấn dự kiến kết thúc vào ngày 30/4 tới.

Trao đổi với hãng CNBC, ông Griffith cho biết quy định cụ thể về tiền kỹ thuật số có thể bắt đầu có hiệu lực trong vòng 1 năm tới.

Các công ty trong lĩnh vực này đã chia sẻ với CNBC rằng họ muốn các quy tắc rõ ràng và đang thúc đẩy các chính phủ đưa ra các khuôn khổ để họ vận hành.

Ông Griffith cho biết cách tiếp cận của Vương quốc Anh sẽ kết hợp cả quy định hiện hành và quy định mới.

Nhiều quốc gia trên khắp thế giới, từ Dubai đến Singapore, đã cố gắng được định vị là những địa điểm thân thiện với tiền kỹ thuật số nhằm khuyến khích các công ty thành lập cửa hàng ở đó.

 


[Canada sắp có nền tảng tiền kỹ thuật số lớn nhất quốc gia]

Tương tự, Anh cũng đang muốn trở thành quốc gia dành cho các công ty tiền kỹ thuật số. Năm ngoái, Thủ tướng Rishi Sunak, khi đó là Bộ trưởng Tài chính, đã bày tỏ tham vọng biến nước Anh trở thành “trung tâm toàn cầu về công nghệ tiền kỹ thuật số.”

Tháng Bảy năm ngoái, Anh đã công bố Dự luật Dịch vụ tài chính và thị trường nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành dịch vụ tài chính hậu Brexit, đồng thời vẫn duy trì các tiêu chuẩn được tuân thủ trên thị trường quốc tế.

Dự luật này đề xuất cho phép một số loại đồng tiền số ổn định (stablecoin) nhất định được quản lý như một phương thức thanh toán tại Anh.

Stablecoin là loại tiền kỹ thuật số được thiết kế với mục đích giảm thiểu tối đa ảnh hưởng từ biến động giá bằng cách cố định vào một tài sản ổn định hơn như tiền thật (fiat money), hàng hóa (vàng, bạc…), hoặc có thể là một đồng tiền kỹ thuật số khác.

Ông Griffith cho rằng Dự luật Dịch vụ tài chính và thị trường, hiện vẫn chưa được Quốc hội thông qua, là một ví dụ điển hình về việc xây dựng một dự luật có bao gồm các điều khoản liên quan đến quản lý tiền kỹ thuật số.

Dự luật này nhằm mục đích đưa các stablecoin được thế chấp bằng tài sản thực vào khuôn khổ quản lý./.


Canada sắp có nền tảng tiền kỹ thuật số lớn nhất quốc gia

Sau khi 3 công ty WonderFi, Coinsquare và CoinSmart hợp nhất, nền tảng mới sẽ phục vụ 1,65 triệu người dùng Canada đã đăng ký, với hơn 600 triệu CAD (hơn 446 triệu USD) tài sản ký gửi.

Các công ty tiền kỹ thuật số ở Canada gồm WonderFi, Coinsquare và CoinSmart ngày 3/4 thông báo đang thảo luận sáp nhập để trở thành một nền tảng lớn nhất và duy nhất được quản lý đầy đủ ở quốc gia Bắc Mỹ này, trong bối cảnh giới chức Canada đang nỗ lực hoàn thiện quy định pháp lý đối với lĩnh vực tiền kỹ thuật số.

Theo thông cáo báo chí chung, 3 công ty trên cho biết sau khi hợp nhất, nền tảng mới sẽ phục vụ 1,65 triệu người dùng Canada đã đăng ký, với hơn 600 triệu CAD (hơn 446 triệu USD) tài sản ký gửi. Dự kiến, nền tảng mới cũng sẽ tung ra các các sản phẩm và dịch vụ mới.

Giám đốc điều hành Coinsquare, Martin Piszel, cho rằng sự kết hợp này sẽ tạo ra một nền tảng giao dịch an toàn, bảo mật và được quản lý có thể cạnh tranh với các sàn giao dịch toàn cầu chưa đăng ký vẫn đang hoạt động tại Canada.

Tháng 10/2022, Coinsquare đã trở thành nền tảng đầu tiên ở Canada đăng ký với cơ quan quản lý quốc gia.

WonderFi, Coinsquare và CoinSmart đưa ra thông báo trên vài tháng sau khi sàn giao dịch tiền điện tử FTX sụp đổ và người sáng lập nền tảng này, ông Sam Bankman-Fried đang đối mặt với các cáo buộc như hối lộ và gian lận trong vụ bê bối làm rung chuyển thế giới tiền điện tử thời gian qua.

FTX và các công ty con của sàn giao dịch này tại Mỹ đã nộp đơn xin phá sản và ông Sam Bankman-Fried từ chức Giám đốc điều hành (CEO) của FTX.

Sàn giao dịch tiền kỹ thuật số từng lớn thứ hai thế giới này đã sụp đổ nhanh chóng sau vài ngày nhà đầu tư liên tục rút tài sản khỏi các ví tiền, đồng thời không tìm được "phao cứu sinh" sau khi sàn giao dịch Binance từ chối mua lại.

Trong quá trình điều tra sau đó, các công tố viên phát hiện nhiều chi tiết đáng ngờ về dòng tiền giữa FTX với quỹ đầu tư tiền điện tử Alameda Research. FTX cũng vướng nghi án chiếm dụng tiền gửi của khách hàng./.


Nga trở thành nước khai thác tiền điện tử lớn thứ 2 thế giới

Ngân hàng Trung ương Nga từng đề xuất cấm khai thác tiền điện tử do lo ngại về an ninh năng lượng, nhưng hiện tại, nước này trở thành nơi khai thác tiền điện tử lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ.

Nga vừa trở thành quốc gia khai thác tiền điện tử lớn thứ hai thế giới trong năm nay, nhật báo kinh doanh Kommersant trích dẫn Bitriver - Nhà cung cấp dịch vụ khai thác bitcoin lớn nhất của Nga.

Trong khi Hoa Kỳ cho đến nay vẫn là quốc gia khai thác tiền điện tử lớn nhất thế giới với công suất khai thác 3-4 gigawatt, thì công suất phát điện khai thác tiền điện tử của Nga đạt 1 gigawatt vào tháng 1 đến tháng 3/2023.

Kommersant trích dẫn Bitriver cho biết, lần đầu tiên giành vị trí thứ hai, Nga đã chiếm vị trí trước đây của Kazakhstan, quốc gia đã đưa ra các hạn chế đối với hoạt động khai thác tiền điện tử vào năm 2022 và hiện đang xếp thứ 9.


Trung Quốc, nơi đã cấm khai thác tiền điện tử vào năm 2021, không lọt vào top 10 của Bitriver.

Việc sử dụng bitcoin bị hạn chế ở Nga do các luật hạn chế về tiền điện tử, bao gồm luật năm 2020 của Tổng thống Vladimir Putin về tài sản tài chính kỹ thuật số, đã hợp pháp hóa tiền điện tử nhưng cấm sử dụng chúng để thanh toán hàng hóa và dịch vụ.

Tuy nhiên, tiền điện tử có liên quan đến các chiến lược trốn tránh lệnh trừng phạt của Nga, với việc Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen một địa chỉ bitcoin và ether vào tháng 2 mà họ cho rằng có thể liên quan đến việc bán thiết bị quốc phòng của Nga ở nước ngoài.

Liên minh châu Âu đã áp đặt lệnh cấm hoàn toàn việc thực hiện các giao dịch tiền điện tử với công dân Nga và bất kỳ ai cư trú tại quốc gia này như một phần của vòng trừng phạt thứ 8 được đưa ra vào năm ngoái.

Tuy nhiên trước đó, vào tháng 1/2022, Ngân hàng Trung ương Nga đề xuất cấm khai thác tiền điện tử trên lãnh thổ nước này do lo ngại về an ninh năng lượng trong bối cảnh nhiều quốc đang có những chính sách cứng rắn hơn trong việc quản lý hoạt động khai thác và giao dịch tiền số.

Khi đó, theo Ngân hàng Trung ương Nga, giải pháp tốt nhất là đưa ra lệnh cấm khai thác tiền điện tử bởi bitcoin và các loại tiền điện tử khác được khai thác bởi các dàn máy đào mạnh và liên tục tiêu tốn điện và nhiên liệu hóa thạch. Điều này có thể gây nguy cơ tiềm ẩn về an ninh năng lượng của quốc gia.

Vào tháng 8/2021, Nga chiếm 11,2% hashrate toàn cầu - thuật ngữ chỉ sức mạnh tính toán được sử dụng bởi các hệ thống khai thác tiền số. Công ty BitRiver cho biết họ hy vọng đề xuất trên không thành hiện thực. Nga cũng đang lên kế hoạch phát hành đồng rúp kỹ thuật số, nên tài sản tiền điện tử có thể sẽ trở nên phổ biến trong tương lai.

Từ giữa năm 2021, Trung Quốc ra lệnh cấm khai thác và giao dịch tiền điện tử, buộc các trang trại phải đóng cửa và chuyển máy đào ra nước ngoài. Đầu năm 2022, Singapore - nơi được cho là cởi mở với tiền điện tử - cũng cảnh báo người dân về rủi ro liên quan. Cùng lúc đó, Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) đã ban hành hướng dẫn, hạn chế các nhà cung cấp dịch vụ giao dịch tiền số quảng bá dịch vụ cho công chúng. Chỉ vài ngày sau, các ATM Bitcoin ở nước này cũng bị gỡ bỏ. Một số quốc gia khác như Tây Ban Nha, Anh cũng ra các quy định tương tự Singapore về hoạt động quảng cáo, giao dịch và khai thác tiền số.

Theo Financial Times, Kazakhstan thậm chí gặp khủng hoảng năng lượng do hoạt động khai thác Bitcoin. Vào cuối năm 2021, ba nhà máy nhiệt điện quan trọng của Kazakhstan phải ngừng khẩn cấp do quá tải. Để hạn chế, chính phủ nước này đã siết chặt quản lý với việc đào Bitcoin và một số trang trại lớn buộc phải ngừng hoạt động. Didar Bekbau, CEO công ty Xive, cho biết họ phải dừng 2.500 máy đào vì thiếu điện.

Việc thiếu hụt năng lượng do khai thác Bitcoin không chỉ xảy ra tại Kazakhstan. Hồi tháng 5/2021, Iran cấm khai thác tiền điện tử trong bốn tháng để ngăn tình trạng mất điện thường xuyên tại quốc gia này. Trước đó, Kosovo cũng ra lệnh cấm khai thác tiền mã hóa nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng tại nước này, khiến nhiều chủ trang trại phải bán tháo thiết bị đào Bitcoin. (Theo The Moscow Times)


Nga ra mắt sàn giao dịch tiền điện tử quốc gia ( 2022)

Nga vừa tiến thêm một bước trong việc đặt tài sản kỹ thuật số dưới sự giám sát của chính phủ bằng cách ra mắt nền tảng giao dịch tiền điện tử quốc gia.

Hãng tin địa phương Vedomosti đưa tin vào ngày 23.11, hạ viện của Quốc hội Liên bang Nga, còn được gọi là Duma Quốc gia (State Duma), đã bắt đầu làm việc về các quy định để tạo ra sàn giao dịch tiền điện tử chính thức của Nga.

Cụ thể, quy định mà các đại biểu Duma đang phát triển đề cập đến dự thảo sửa đổi, với mục đích ban đầu là tạo ra một tài liệu về vị thế của thị trường, sau đó nó sẽ được đệ trình để thảo luận với chính phủ và Ngân hàng Nga.

Trước khi thông báo về việc ra mắt sàn giao dịch tiền điện tử quốc gia, các đại biểu Duma đã có cuộc hội đàm với những người tham gia thị trường liên quan đến những thay đổi cần thiết đối với luật “Tài sản tài chính kỹ thuật số”, tuy nhiên đại diện của Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Nga không có mặt.

Đặt tiền điện tử dưới sự quản lý của chính phủ

Nhận xét về sự phát triển của tài sản kỹ thuật số, ông Serge Altukhov, thành viên của Ủy ban Chính sách Kinh tế, phát biểu: “Thật vô nghĩa khi nói rằng tiền điện tử không tồn tại, nhưng vấn đề là nó đang lưu hành trong một luồng lớn nằm ngoài quy định của chính phủ. Đó là hàng tỉ rúp thất thu ngân sách dưới dạng thuế”.

Theo ông Serge Altukhov, cần phải tạo ra các điều kiện để cho phép hợp pháp hóa các loại tiền kỹ thuật số và điều chỉnh “luật chơi” trong khuôn khổ pháp luật quốc gia, không mâu thuẫn với quan điểm của chính phủ và Ngân hàng Trung ương.

Đầu tháng 6.2022, ông Anatoly Aksakov, người đứng đầu Ủy ban Thị trường Tài chính của Duma, từng gợi ý về khả năng ra mắt nền tảng giao dịch tiền điện tử quốc gia của Nga như một phần của Sàn giao dịch Moscow, vốn được ông ca ngợi là “một tổ chức đáng kính với truyền thống lâu đời”.

Được biết, Ngân hàng Nga cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính Nga để soạn thảo một dự thảo luật điều chỉnh hoạt động khai thác tiền điện tử, với trọng tâm chính là các khu vực giàu năng lượng nơi hoạt động này sẽ được phép diễn ra.

Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

" Luật sư sống bằng việc BÁN KIẾN THỨC và TRÍ TUỆ, SỰ HIỂU BIẾT. Khách hàng đến với Luật sư để MUA những thứ bạn có. Nếu bạn không những thứ đó thì sẽ bán gì cho khách hàng? Sự UYÊN THÂM trong nghề tạo ra giá trị thật sự cho thân chủ" - Luật sư Vũ Ngọc Dũng -0938188889

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Blog Vũ Văn Dũng. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến