Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến năm dự án luật
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, sáng 31/5, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe các Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra các dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật điện lực; Luật dự trữ quốc gia; Luật hợp tác xã (sửa đổi); Luật quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư. Đây là những dự án Luật được lấy ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII.
Đảm bảo sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với các hoạt động điện lực
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực được sửa đổi, bổ sung các quy định về: quy hoạch phát triển điện lực; bỏ việc lập quy hoạch phát triển điện lực huyện/quận/thị xã và thành phố thuộc tỉnh; Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được lập cho từng giai đoạn 10 năm và có định hướng cho 10 năm tiếp theo; Giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; Quy định về giá điện và các loại phí.
Dự thảo luật sửa đổi bổ sung các quy định về: Loại hình hoạt động điện lực và trình tự, thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung và thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực đối với từng loại hình hoạt động điện lực; một số nội dung quy định về giá bán lẻ điện ở nông thôn, miền núi, hải đảo nơi không nối lưới điện quốc gia mà việc đầu tư không có hiệu quả kinh tế; một số nội dung về điều tiết điện lực và quy định Thanh tra chuyên ngành điện lực được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra…
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban khoa học, công nghệ, môi trường của Quốc hội về dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật điện lực nêu rõ những điểm còn nhiều ý kiến khác nhau về sự thống nhất một số khái niệm trong Luật Điện lực; các quy định về phát triển điện lực gắn với bảo vệ môi trường; Thị trường điện lực; Các quy định liên quan đến quyền, nghĩa vụ của đơn vị điện lực, khách hàng sử dụng điện; Bảo vệ trang thiết bị điện, công trình điện lực; Quản lý nhà nước và cấu trúc ngành điện...
Tạo cơ chế hình thành, quản lý, điều hành, sử dụng dự trữ quốc gia hợp lý
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật dự trữ quốc gia gồm 7 chương 63 điều, kế thừa các mục tiêu nêu tại Pháp lệnh dự trữ quốc gia đã thực hiện trong 8 năm qua, gồm: đáp ứng những yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh; tham gia bình ổn thị trường và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất bức thiết khác của Nhà nước và bổ sung mục tiêu sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia góp phần bảo đảm an sinh xã hội để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Dự án luật kế thừa Pháp lệnh dự trữ quốc gia và sửa đổi, bổ sung một số quy định mới về: những chính sách của Nhà nước về dự trữ quốc gia; chiến lược, kế hoạch dự trữ quốc gia; Cơ chế quản lý, điều hành dự trữ quuốc gia; Kho và khoa học quản lý, công nghệ bảo quản hàng dự trữ quốc gia; Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, và giải quyết khiếu nại, tố cáo về dự trữ quốc gia...
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về dự án Luật Dự trữ quốc gia cho thấy còn có những ý kiến khác nhau về mục tiêu của dự trữ quốc gia; hàng hóa, vật tư thuộc phạm vi điều chỉnh, nguồn hình thành dự trữ quốc gia; về tổ chức dự trữ quốc gia; quyền hạn, trách nhiệm trong hoạt động dự trữ quốc gia; tổng mức dự trữ quốc gia; Danh mục hàng dự trữ quốc gia; Ngân sách nhà nước chi cho dự trữ quốc gia...
Sửa đổi, bổ sung những quy định làm rõ bản chất tổ chức hợp tác xã
Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật hợp tác xã (sửa đổi) gồm 9 chương, 66 Điều (bỏ chương Thi đua khen thưởng trong Luật Hợp tác xã năm 2003). Luật nhằm xây dựng khung pháp luật cơ bản phù hợp với bản chất của tổ chức hợp tác xã; thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng; khắc phục các hạn chế, tiếp thu tối đa những quy định còn phù hợp của Luật Hợp tác xã năm 2003; xây dựng khung pháp luật cơ bản trên cơ sở tổng kết thực tiễn phát triển hợp tác xã ở Việt Nam, đồng thời tham khảo kinh nghiệm quốc tế phù hợp với thực tế của Việt Nam.
Luật Hợp tác xã (sửa đổi) bổ sung, sửa đổi những quy định làm rõ bản chất tổ chức hợp tác xã; bổ sung một số nội dung trong nguyên tắc tổ chức và hoạt động; điều kiện trở thành thành viên hợp tác xã; quyền của thành viên hợp tác xã; về mức góp vốn tối đa của thành viên khi tham gia hợp tác xã; về chấm dứt tư cách thành viên; về phân phối thu nhập; về tài sản không chia của hợp tác xã...
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chỉ ra những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) về bản chất của tổ chức hợp tác xã; quy định quyền cung cấp sản phẩm dịch vụ ra thị trường bên ngoài cộng đồng thành viên; quy định hợp tác xã được góp vốn, mua cổ phần, thành lập công ty; chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước; quy định về quản lý nhà nước đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; tổ chức đại diện của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã...
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế dự kiến sửa đổi, bổ sung 33 Điều (trong tổng số 120 Điều của Luật hiện hành), liên quan đến ba nhóm vấn đề với 22 nội dung, gồm: Nhóm vấn đề về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; Nhóm vấn đề phục vụ mục tiêu cải cách - hiện đại hóa và hội nhập, phù hợp thông lệ quốc tế; Nhóm vấn đề nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế để phù hợp với thực tế và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm chống thất thu ngân sách, giảm nợ đọng thuế...
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nêu rõ những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau về: nguyên tắc quản lý thuế; nghĩa vụ của người nộp thuế trong ứng dụng công nghệ thông tin; nguyên tắc ấn định thuế; thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, thời hạn bảo lãnh; trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế; xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế, xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn...
Tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư hành nghề
Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư sửa đổi 28 điều, bổ sung 2 điều và bỏ 3 điều, tập trung vào một số vấn đề: tiêu chuẩn trở thành luật sư, điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư; quyền, nghĩa vụ của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư Việt Nam; nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động hành nghề luật sư, phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước với tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư; điều kiện và phạm vi hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài, bảo đảm phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho thấy những điểm còn có nhiều ý kiến khác nhau trong dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư về: sự cần thiết và phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư; điều kiện miễn đào tạo nghề luật sư; các trường hợp đã bị kết án không được hành nghề luật sư; quy định cho phép viên chức được hành nghề luật sư; quyền, nghĩa vụ của luật sư; quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư; việc mở rộng đối tượng được yêu cầu luật sư bào chữa...
Theo TTXVN
Phúc Hằng
Bình luận
Bình luận bằng Facebook