/ / / /

CƠ HỘI M&A TRONG LĨNH VỰC KHOÁNG SẢN TẠI VIỆT NAM


CƠ HỘI M&A TRONG LĨNH VỰC KHOÁNG SẢN TẠI VIỆT NAM

Cơ hội M&A trong lĩnh vực khoáng sản tại Việt Nam

alt

Với tiềm năng khoáng sản của Việt nam, cùng với sự tháo gỡ về cơ chế cũng như sự phát triển của các doanh nghiệp ngành khoáng sản, chúng ta có thể chứng kiến nhiều thương vụ M&A trong ngành khoáng sản trong những năm tới

M&A trong ngành khoáng sản – nhìn từ một thương vụ

Năm 2010, giới chuyên môn và quan sát trong lĩnh vực đầu tư khoáng sản đã rất chú ý và ấn tượng với việc Masan công bố thỏa thuận mua lại cổ phần kiểm soát trong Công ty Liên doanh Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo ("Nuiphaovica") từ công ty Tiberon Minerals. Theo công bố thông tin từ chủ đầu tư, Nuiphaovica kiểm soát một trong những dự án vonfram chưa được khai thác lớn nhất thế giới một mỏ đa kim với trữ lượng đã được kiểm chứng và ước đoán vào khoảng 55,4 triệu tấn ở tỉnh Thái Nguyên, nằm về phía bắc Hà Nội. Khi đi vào hoạt động hoàn chỉnh, mỏ này cũng sẽ là một trong những nhà sản xuất lớn nhất thế giới về bismuth và flourit.

Tiếp đến, đầu năm 2011, Masan tiếp tục công bố khoản đầu tư thành công vào Công ty Tài nguyên Masan từ các quỹ đầu tư do công ty quản lý quỹ Mount Kellett tư vấn – Mount Kellett là một tập đoàn của Mỹ đang quản lý nguồn vốn tư nhân có giá trị nhiều tỷ đôla. Mount Kellett sẽ đầu tư khoảng 2.100 tỷ Đồng để đổi lấy 20% cổ phần của Công ty Tài nguyên Ma San.

Giới quan sát nhận thấy, đây là những tín hiệu đầu tiên thể hiện sự quyết tâm của Masan trong việc triển khai thương vụ Núi pháoVica. Thương vụ này cũng cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm đến các cơ hội đầu tư trong lĩnh vực khai khoáng tại Việt nam. Mặt khác, cũng cho thấy M&A có thể là một trong những giải pháp để thực thi hiệu quả các dự án trong lĩnh vực này.

Cơ hội nào cho M&A khoáng sản tại Việt nam

Có ba nguyên nhân chính có thể tác động đến M&A trong lĩnh vực khoáng sản tại Việt nam. Đó là: 1. Việt nam vẫn được đánh giá có nhiều tiềm năng về khoáng sản, 2. Sự tham gia đa dạng của các nhà đầu tư, nhất là khối tư nhân. 3. Việc ban hành Luật khoáng sản và những quy định cụ thể về chuyển nhượng dự án thăm dò và khai thác mỏ.

Tiềm năng khoáng sản và sự phát triển của ngành khai khoáng tại Việt nam

Việt Nam vẫn luôn được biết đến với nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú, đa dạng với trên 5.000 mỏ và điểm quặng của hơn 60 loại khoáng sản khác nhau. Trong đó có một số loại khoáng sản được dự báo có trữ lượng lớn như bôxít, titan, đá nguyên liệu xi măng... Việt nam cũng có những mỏ khoáng sản tiềm năng như sắt, vàng, vonfram, đất hiếm... Theo thống kê, giá trị công nghiệp ngành khai thác khoáng sản (trừ dầu khí) đã tăng từ 4,8% (năm 1995) lên đến trên 10% GDP hàng năm của Việt Nam trong những năm gần đây

Mặc dù phong phú về chủng loại và nhiều về số lượng nhưng phần lớn các mỏ, điểm mỏ khoáng sản đã được phát hiện ở Việt Nam chủ yếu là các mỏ nhỏ và vừa. Mặt khác, do hạn chế về vốn đầu tư, công nghệ khai thác nên các mỏ đang khai thác chủ yếu có quy mô mỏ nhỏ, hoặc một số mỏ lớn được cấp phép cho một số doanh nghiệp, chia thành nhiều khu vực để khai thác với quy mô nhỏ hơn.

Hoạt động chế biến khoáng sản phần lớn được thực hiện đồng thời với hoạt động khai thác khoáng sản, tuy nhiên các doanh nghiệp Việt nam chưa chú trọng và chưa đủ năng lực để triển khai các hoạt động này. Các loại khoáng sản phổ biến có hoạt động chế biến đi liền với hoạt động khai thác như đá làm vật liệu xây dựng, sét gạch ngói, đá vôi, sét nguyên liệu xi măng, chì - kẽm, đồng, vàng, titan, thiếc.

Sự tham gia đa dạng của các nhà đầu tư tư nhânnước ngoài.

Trước khi Luật Khoáng sản được ban hành, hoạt động khai thác khoáng sản chủ yếu do các tổng công ty, công ty của Nhà nước thực hiện tại các mỏ đã được tìm kiếm, thăm dò bằng nguồn vốn của Nhà nước như apatit, quặng sắt, than, đá vôi, sét làm nguyên liệu xi măng, thiếc, antimon, vonfram v.v ... với số lượng khoảng gần 200 mỏ, khu vực khai thác trong cả nước được thăm dò, khai thác.

Sau khi Luật Khoáng sản được ban hành, chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản được thực thi đã tạo điều kiện phát triển nhanh cả về số lượng doanh nghiệp và thành phần kinh tế tham gia hoạt động khoáng sản.  Theo thống kê, số doanh nghiệp tham gia hoạt động trong công nghiệp khai thác mỏ tăng nhanh từ 427 doanh nghiệp (năm 2000) lên đến gần 1.400 doanh nghiệp vào thời điểm hiện tại. Trong đó, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng chiếm tới gần 1.200 doanh nghiệp với quy mô nhỏ và vừa.

Trong nước đã hình thành được một số Tập đoàn kinh tế mạnh, một số doanh nghiệp nhà nước có vai trò chủ đạo, chiếm tỷ trọng lớn trong ngành khai thác khoáng sản như: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam. Một số doanh nghiệp trong nước đã ổn định và phát triển trong lĩnh vực khai khoáng như: Tổng công ty Khoáng sản Hà Tĩnh, Công ty Khoáng sản Bình Định, Hòa Phát v.v…

Theo thống kê, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn 1,47% trong tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động. Các doanh nghiệp này tham gia chủ yếu trong lĩnh vực khai thác khoáng sản phục vụ công nghiệp sản xuất xi măng, đá ốp lát, nước khoáng (Công ty Lavie), vàng, Niken, titan sa khoáng, đá phiến lợp, quặng sắt. Tuy tỷ lệ tham gia không cao, nhưng do có kinh nghiệm trong khâu tìm kiếm, đánh giá và triển khai dự án, các nhà đầu tư này lựa chọn những cơ hội đầu tư tương đối tốt và hứa hẹn tiềm năng.

Luật khoáng sản và cơ hội cho các hoạt động M&A trong lĩnh vực khoáng sản tại Việt nam.

Trong thời gian qua, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản tại Việt nam đã diễn ra, tuy nhiên các thông tin về thương vụ này cũng ít khi được công bố. Nhiều thương vụ cũng mang tính chất mua đi bán lại giấy phép. Tuy nhiên, trên thực tế, có tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản do điều kiện khách quan không thể tiếp tục thực hiện dự án đầu tư, có nhu cầu chuyển nhượng dự án đã đầu tư để thu hồi vốn.

Luật Khoáng sản với hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011 đã có điều khoản cho phép chuyển nhượng quyền thăm dò và quyền khai thác khoáng sản. Tuy nhiên việc chuyển nhượng quyền thăm dò và khai thác khoáng sản phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản chấp thuận.

KẾT LUẬN

Với tiềm năng khoáng sản của Việt nam, cùng với sự tháo gỡ về cơ chế cũng như sự phát triển của các doanh nghiệp ngành khoáng sản, chúng ta có thể chứng kiến nhiều thương vụ M&A trong ngành khoáng sản trong những năm tới. Nhà nước nên nhìn nhận xu hướng này theo hướng tích cực, sự điều tiết của thị trường sẽ chọn lựa được nhà đầu tư phù hợp nhất cho dự án. Về khía cạnh doanh nghiệp, nên nhìn nhận đây là cơ hội để có những thương vụ đầu tư thành công trong lĩnh vực khoáng sản.

by Đặng Xuân Phú - TS địa chất - VinaMineral

Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

" Luật sư sống bằng việc BÁN KIẾN THỨC và TRÍ TUỆ, SỰ HIỂU BIẾT. Khách hàng đến với Luật sư để MUA những thứ bạn có. Nếu bạn không những thứ đó thì sẽ bán gì cho khách hàng? Sự UYÊN THÂM trong nghề tạo ra giá trị thật sự cho thân chủ" - Luật sư Vũ Ngọc Dũng -0938188889

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Blog Vũ Văn Dũng. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến