Giảng viên làm luật sư: Chưa ngã ngũ!
Chiều 19-6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư. Vấn đề được các đại biểu (ĐB) quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều nhất là có nên cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư hay không.
Cả nước chỉ có khoảng 20 luật sư đủ khả năng tranh tụng quốc tế.
Tận dụng người có ngoại ngữ
Theo Báo cáo tổng kết năm năm thi hành Luật Luật sư của Bộ Tư pháp, hiện nay chỉ có khoảng trên 100 luật sư thông thạo từ một đến hai ngoại ngữ, trên 20 luật sư đủ khả năng giao tiếp, tham gia đàm phán và giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế (chiếm 0,2% tổng số luật sư trên cả nước). Trong khi thực tế hiện nay, trong hơn 1.500 viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật, nhiều người được đào tạo bài bản ở nước ngoài, thông thạo nhiều ngoại ngữ, có kiến thức, am hiểu về pháp luật nước ngoài, pháp luật và tập quán quốc tế.
Do đó, theo giải trình của Chính phủ, việc cho phép đội ngũ này làm luật sư sẽ bổ sung một số lượng đáng kể luật sư phục vụ hội nhập quốc tế tham gia đàm phán và giải quyết tranh chấp đối với các giao dịch có yếu tố nước ngoài.
ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng đội ngũ giảng viên luật là những người có kiến thức chuyên sâu nên việc hành nghề luật sư rất thuận lợi. Ảnh: TTXVN
Đồng tình với đề nghị của Chính phủ, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) phân tích: “Đội ngũ giảng viên luật là những người có kiến thức chuyên sâu nên việc hành nghề luật sư rất thuận lợi. Họ lại có kiến thức thực tiễn để đưa vào giảng dạy, giúp quá trình truyền đạt kiến thức sinh động và dễ tiếp thu hơn rất nhiều. Cạnh đó, luật viên chức không cấm thì không có lý gì các giảng viên lại không được hành nghề luật sư”. Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) nói theo quy định hiện nay thì giảng viên chỉ giảng dạy 28 tiết một tháng (khoảng 6 giờ một tuần) và thời gian còn lại là quá đủ để tham gia tố tụng. Do đặc thù nghề nghiệp nên họ hoàn toàn có thể nhờ giảng viên khác dạy thay hoặc dạy bù cho sinh viên vào lúc khác. Đây cũng là một cơ hội tốt để những giảng viên này có thêm thu nhập. Lo ngại chân ngoài dài hơn chân trong Ngược lại, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (Phó Chánh án TAND TP.HCM) cho rằng giải trình của Chính phủ là không thuyết phục. “Nhu cầu xã hội không bức xúc đến nỗi cần bổ sung những đối tượng này hành nghề luật sư. Cạnh đó, thực tế cho thấy rằng các giảng viên đang hướng dẫn rất nhiều thẩm phán, KSV tại các trường đào tạo luật, nếu để họ làm luật sư bào chữa thì liệu có khách quan hay không?” - ông Ánh băn khoăn. Bổ sung, ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) cho biết một số nước đang không cho viên chức hành nghề luật sư. “Không có phiên tòa nào diễn ra ngoài giờ hành chính, nhiều phiên tòa kéo dài tới 20 ngày nên các giảng viên có thể bớt xén thời gian giảng dạy. Tôi không tưởng tượng được 50% giảng viên của một trường ĐH làm luật sư thì chất lượng giảng dạy sẽ như thế nào? Đó là chưa kể sẽ dẫn đến tình trạng chân ngoài dài hơn chân trong” - ông Cương lo ngại. ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) dẫn chứng thực tế đã có nhiều phiên tòa bị hoãn vì luật sư phải tham gia tố tụng tại phiên tòa khác, không lẽ sau này nhiều phiên tòa sẽ bị hoãn vì luật sư bận tham gia giảng dạy, coi thi…
Tăng thời gian đào tạo nghề luật lên gấp đôi Về vấn đề đào tạo nghề luật sư và luật sư tập sự, đa số ĐB đồng tình với quy định tăng thời gian đào tạo nghề luật sư lên 12 tháng (gấp đôi so với quy định hiện hành) và giữ nguyên quy định không cho luật sư tập sự tham gia bào chữa. Tuy nhiên, một số ĐB đề xuất nên cho luật sư tập sự được tham gia bào chữa tại phiên tòa cấp quận, huyện để những đối tượng này được trang bị đầy đủ kiến thức cũng như kinh nghiệm thực tiễn để bước vào hành nghề. Nhiều ĐB cũng kiến nghị bỏ quy định cho phép chấp hành viên, công chứng viên và thừa phát lại được miễn đào tạo hành nghề luật sư (nếu đáp ứng đủ điều kiện). Lý do là ba đối tượng này không trực tiếp tham gia tố tụng nên không đủ chuyên môn cũng như kinh nghiệm. Dự thảo này cũng có một số quy định mới như luật sư phải có ít nhất hai năm hành nghề thì mới được thành lập tổ chức hành nghề luật sư; bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự trong các vụ án dân sự, hành chính. Dự thảo cũng cho phép người thân của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của các đối tượng này cũng có quyền yêu cầu luật sư bào chữa. |
THANH LƯU
Bình luận
Bình luận bằng Facebook