M&A - công ty chứng khoán: Vừa làm vừa… run
(ĐTCK-online) Gần 1 năm trước, vụ sáp nhập Công ty Chứng khoán (CTCK) Gia Anh vào CTCK An Phát đã khiến công ty nhận sáp nhập, công ty tự nguyện sáp nhập và cả cơ quan quản lý ở trạng thái “vừa làm, vừa run” bởi thiếu các quy định pháp lý. Mối lo này vẫn còn tiếp diễn khi “khoảng trống” pháp lý cho hoạt động M&A của các CTCK đến nay vẫn chưa được khoả lấp, trong khi ghi nhận từ thị trường cho thấy, hoạt động này có xu hướng diễn ra ngày càng “nóng”.
Hoạt động M&A các DN niêm yết trên TTCK đang khá sôi động, khi gần đây diễn ra hai thương vụ chào mua công khai là PNJ mua SFC và Thủy sản Hùng Vương mua Agifish. Nhiều chuyên gia cũng đưa ra nhận định, bối cảnh kinh tế của năm nay sẽ mở ra cơ hội cho hoạt động M&A bùng nổ. Xu hướng này sẽ không phải là ngoại lệ đối với các DN trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), kết thúc năm 2009, có gần 80/105 CTCK kinh doanh có lãi, nghĩa là hơn 20 CTCK còn lại bị thua lỗ. Chủ tịch HĐQT một CTCK cho rằng, đây là một yếu tố khách quan thúc đẩy xu hướng M&A các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Năm nay, TTCK đang có bước phát triển thuận lợi và đây cũng là điều kiện tốt cho hoạt động M&A diễn ra. Tính chất cạnh tranh trên TTCK ngày càng gay gắt đang làm cho các CTCK nhỏ có nguy cơ bị loại khỏi cuộc chơi, muốn tồn tại, họ buộc phải tìm hướng đi mới và một trong những cách đó là dựa vào một DN mạnh. Tuy nhiên, để tiến hành thành công một thương vụ M&A, các CTCK đang phải đối mặt với nhiều vướng mắc, do đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết hoạt động này.
Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn về việc hợp nhất, sáp nhập, giải thể các tổ chức kinh doanh chứng khoán, người sở hữu cổ phần ưu đãi, ngoại trừ cổ phần ưu đãi có quyền biều quyết hoặc các tài sản tương đương (cổ đông ưu đãi không có quyền biểu quyết), trái chủ của các tổ chức kinh doanh chứng khoán bị hợp nhất, bị sáp nhập, nhận sáp nhập, phải được thừa hưởng quyền lợi tại tổ chức kinh doanh chứng khoán hợp nhất, sáp nhập không kém hơn quyền lợi của họ tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán bị hợp nhất, bị sáp nhập...
Dưới góc nhìn của một DN trực tiếp nhận sáp nhập CTCK Gia Anh, ông Trần Thiên Hà, Tổng giám đốc CTCK An Phát cho biết, đầu năm 2009, khi quyết định nhận sáp nhập CTCK Gia Anh, CTCK An Phát gặp không ít khó khăn, vì đây là thương vụ M&A đầu tiên diễn ra giữa hai DN ngành chứng khoán, với số lượng tài khoản khá lớn (700 tài khoản) và được tiến hành trong bối cảnh thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể. Trong điều kiện đó, để sáp nhập thành công, các bên đã thống nhất nguyên tắc đây là hoạt động chuyển giao tự nguyện và có sự chấp thuận của UBCK. Dựa trên thoả thuận này, việc đầu tiên hai công ty tiến hành là ký thỏa thuận CTCK An Phát tiếp nhận quản lý khách hàng trong nghiệp vụ môi giới từ CTCK Gia Anh và hai bên gửi công văn đề nghị UBCK chấp thuận việc tiếp nhận này. Trên cơ sở tìm hiểu kỹ nhu cầu thực tế của các bên, UBCK đã ra quyết định chấp thuận việc chuyển giao và yêu cầu các Sở GDCK và Trung tâm Lưu ký chứng khoán (TTLK) có văn bản hướng dẫn thi hành.
Sau khi có hướng dẫn trình tự tiến hành chuyển đổi tài khoàn khách hàng từ TTLK, CTCK Gia Anh và CTCK An Phát đã chốt danh sách khách hàng, cũng như số dư tiền, chứng khoán đến từng khách hàng. Khi CTCK Gia Anh chấm dứt giao dịch tại Sở GDCK, TTLK phối hợp với các bên liên quan kiểm tra tính chính xác của các số liệu tiền, chứng khoán và chuyển tài khoản cho từng khách hàng từ CTCK Gia Anh sang CTCK An Phát…
“Nhìn vào quy trình trên có vẻ đơn giản, nhưng thực tế, để triển khai được từng việc cụ thể, UBCK phải họp bàn trực tiếp nhiều lần với hai công ty, mới có thể tháo gỡ được những vướng mắc”, ông Hà nói.Thương vụ sáp nhập trên hoàn tất trong 45 ngày và theo ông Hà, một điều rất quan trọng để việc này diễn ra suôn sẻ là trong suốt quá trình tiến hành các thủ tục sáp nhập, hai công ty thường xuyên công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, để nhà nhà đầu tư, cổ đông nắm được. Trên cơ sở đó, khi có bất kỳ thông tin phải hồi nào, các công ty đều kịp thời giải đáp thoả đáng, nên không làm phát sinh các vụ khiếu nại làm ảnh hưởng đến tiến độ M&A.
Được biết, thông tư hướng dẫn về việc hợp nhất, sáp nhập, giải thể các tổ chức kinh doanh chứng khoán đang trong quá trình hoàn chỉnh dự thảo lần 2. Theo lãnh đạo UBCK, thông tư này sắp được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình Bộ Tài chính xem xét, ban hành.
(ĐTCK)
Bình luận
Bình luận bằng Facebook