M&A - Nhìn lại hoạt động M&A tại Việt Nam năm 2011 và nhận định xu hướng năm 2012
Dù kinh tế toàn cầu và các vấn đề kinh tế vĩ mô trong nước hiện tại còn nhiều bất ổn nhưng các giao dịch M&A trong năm 2011 tại Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển và nở rộ.
Nguồn: Stoxplus 2008 – 2010, và dự đoán năm 2011(E) do tác giả tổng hợp
Số vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam gia tăng mạnh từ 146 vụ năm 2008 lên tới con số 295 vào năm 2009 với tổng giá trị đạt trên 1,14 tỷ USD. Năm 2010, con số này là 345 và tổng giá trị giao dịch đạt 1,75 tỉ USD. Năm 2011, tuy không có sự tăng mạnh về số lượng các giao dịch M&A nhưng giá trị giao dịch thì ghi nhận sự tăng vọt so với năm 2010 đạt gần 4 tỷ USD. Hãy cùng nhìn lại một năm với các thương vụ M&A nổi bật và xu hướng cho năm sắp tới.
Năm 2011 – Năm của M&A trong ngành tài chính và tiêu dùng
Dẫn đầu các ngành với số lượng và giá trị giao dịch lớn là ngành dịch vụ tài chính. Không quá ngạc nhiên với số liệu thống kê này nếu chúng ta nhìn vào số lượng, bản chất của ngành ngân hàng tại Việt Nam thời gian qua.
Sau khi bùng nổ việc thành lập các ngân hàng ở Việt Nam lên đến con số 42 ngân hàng thương mại cổ phần thì nay chính là thời điểm để thị trường ngành ngân hàng Việt Nam cơ cấu lại và có những điều chỉnh hợp lý để hoạt động ổn định, an toàn và phát triển hơn.
Đứng thứ hai sau ngành tài chính là ngành sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng. Năm 2011, giá trị các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) ước đạt gần 4 tỷ USD thì trong đó hơn 1 tỷ USD thuộc lĩnh vực hàng tiêu dùng, và dự kiến trong năm 2012, hoạt động M&A trong lĩnh vực này còn tăng mạnh. Theo bà Đặng Phạm Minh Loan, Phó giám đốc điều hành VinaCapital, có 3 lý do để thị trường M&A lĩnh vực tiêu dùng năm tới tiếp tục sôi động. Thứ nhất, nền tảng thị trường tiêu dùng Việt Nam rất tốt với dân số trẻ và thu nhập ngày càng tăng. Thứ hai, các doanh nghiệp hàng tiêu dùng trong nước đang gặp khó khăn về vốn do lãi suất cao. Thứ ba, khi thị trường phát triển, theo quy luật đào thải, doanh nghiệp cần xây dựng giá trị cốt lõi và đầu tư con người. Thiếu cả vốn lẫn kinh nghiệm phát triển ngành buộc các doanh nghiệp hàng tiêu dùng trong nước phải tìm đến các nhà đầu tư. Đặc biệt, các nhà đầu tư Nhật Bản, Ấn Độ… Do những bất lợi về thiên tai, cũng như do nền kinh tế các nước này đã phát triển đến độ chín, nên họ đang có nhu cầu đầu tư ra nước ngoài để giữ nguồn tiền và mở rộng thị trường.
Hiện VinaCapital đã đầu tư vào trên 50 doanh nghiệp trong các ngành kinh tế tại Việt Nam, đặc biệt là ngành hàng tiêu dùng. Ngoài các quỹ đầu tư, bà Loan cho rằng các doanh nghiệp tiêu dùng lớn tại Việt Nam như Pepsi, Vinamilk… hay các doanh nghiệp tiêu dùng lớn ở nước ngoài cũng sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực tiêu dùng tại Việt Nam khi có cơ hội (Theo baodautu.vn)
Quốc gia nào chiếm ưu thế trong các thương vụ mua bán sáp nhập ở Việt Nam?
Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu trong việc tham gia vào các thương vụ M&A tại Việt Nam. Điển hình là thương vụ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) bán cho Tập đoàn tài chính Mizuho của Nhật Bản 15% vốn tính trên số cổ phiếu đã phát hành và đang lưu hành. Khoản đầu tư này tương đương 567,3 triệu USD, bằng 11.800 tỷ đồng. Với 14 thương vụ M&A trong năm 2011, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài quan trọng trong các giao dịch M&A tại Việt Nam.
Tiếp theo là Mỹ với các thương vụ tiêu biểu như KKR – một trong những công ty đầu tư vốn cổ phần lớn nhất thế giới – đã bỏ ra 159 triệu USD để mua 10% cổ phần của CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer), hay Công ty quản lý quỹ của Mỹ Mount Kellett Capital Management LP đã mua lại 20% cổ phần (tương đương 100 triệu USD) tại Masan Resources – công ty thành viên của Masan Group- công ty đang sở hữu 100% quyền khai thác mỏ vonfram Núi Pháo nằm ở tỉnh Thái Nguyên phía Bắc Hà Nội.
Singapore với 16 giao dịch trong năm 2011 cùng chiếm một tỷ lệ lớn về giá trị các giao dịch M&A, hầu hết là thông qua các công ty đầu tư vốn cổ phần.
Như các chuyên gia nhận định, các doanh nghiệp Việt Nam còn mất nhiều thời gian nữa mới trở thành những bên mua dẫn đầu về mặt giá trị giao dịch trong các thương vụ mua bán sáp nhập. Đặc biệt, năm 2011 không có các trường hợp các công ty Việt Nam đầu tư hay mua bán cổ phần của các công ty nước ngoài (outbound deals).
Triển vọng M&A năm 2012
Hầu hết các chuyên gia cho rằng các giao dịch mua bán sáp nhập trong năm 2012 sẽ tiếp tục tăng về số lượng và giá trị dù nền kinh tế sẽ vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Nhận định này có được dựa trên những cơ sở sau:
• Các doanh nghiệp còn phải đối mặt với các khó khăn trong việc huy động vốn với chi phí cao.
• Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang tìm các đối tác chiến lược để nhận được sự hỗ trợ về nhiều mặt để phát triển kinh doanh.
• Điều quan trọng nhất là nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn được kỳ vọng tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng cao.
Một số xu hướng được dự đoán trong hoạt động M&A năm tới
• Ngành dịch vụ tài chính và hàng tiêu dùng tiếp tục các thương vụ M&A với số lượng và giá trị giao dịch lớn, đặc biệt chính phủ đang có kế hoạch tái cấu trúc ngành ngân hàng và hợp nhất sáp nhập một số ngân hàng yếu kém.
• Các công ty Nhật Bản và Singapore sẽ vẫn là những bên mua dẫn đầu trong các thương vụ M&A. Sự đầu tư từ các doanh nghiệp của Nhật Bản vào Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á đến từ triển vọng tăng trưởng bị giới hạn của nền kinh tế nước này và dòng tiền mạnh từ nhiều tập đoàn lớn của Nhật.
• Các công ty đầu tư vốn cổ phần trong nước vẫn đóng vai trò đương đối nhỏ với tư cách là những bên mua.
Top 10 thương vụ M&A và mua bán cổ phần lớn nhất về giá trị giao dịch năm 2011
Nguồn: Capital IQ và Stoxplus
Bình luận
Bình luận bằng Facebook