Nghiên cứu M&A: Một số vấn đề lý luận về mua bán, sáp nhập doanh nghiệp ( Bài 7, phần 1)
Một số vấn đề lý luận về mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Các khái niệm, đặc điểm của mua bán, sáp nhập doanh nghiệp
Khái niệm mua bán, sáp nhập doanh nghiệp
M &A (viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Mergers and Acquisitions” có nghĩa là Mua bán và Sáp nhập) là hoạt động giành quyền kiểm soát một doanh nghiệp, một bộ phận doanh nghiệp thông qua việc sở hữu một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đó. Như vậy, nguyên tắc cơ bản của M&A là phải tạo ra những giá trị mới cho các cổ đông mà việc duy trì tình trạng cũ không đạt được. Nói cách khác, M&A liên quan đến vấn đề sở hữu và thực thi quyền sở hữu để làm thay đổi hoặc tạo ra những giá trị mới cho cổ đông.
M&A là quá trình thâu tóm công ty là khái niệm được sử dụng để chỉ một công ty tìm cách nắm giữ quyền kiểm soát đối với một công ty khác thông qua thâu tóm toàn bộ hoặc một tỷ lệ số lượng cổ phần hoặc tài sản của công ty mục tiêu đủ để có thể khống chế toàn bộ các quyết định của công ty đó.
Dưới góc độ đầu tư nước ngoài từ trước tới nay vốn là một đề tài rất được các nhà nghiên cứu kinh tế quan tâm. Thuật ngữ này chỉ việc nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào Việt Nam bằng tiền và các loại tài sản hợp pháp khác để tiến hành hoạt động đầu tư. Hoạt động này không thông qua cách làm truyền thống là lập dự án và tạo lập một công ty mới ở Việt Nam một cách đơn thuần, mà việc đầu tư này thông qua các hình thức pháp lý mà Luật doanh nghiệp gọi là: sáp nhập, hợp nhất và Luật cạnh tranh gọi là tập trung kinh tế bao gồm: hợp nhất, sáp nhập, mua lại và liên doanh.
Đầu tư nước ngoài được chia làm hai loại: đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp. Đầu tư trực tiếp là đầu tư mà trong đó người bỏ vốn và người sử dụng vốn cùng một chủ thể. Trong trường hợp này, nhà đầu tư là chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình, có quyền sở hữu đối với thu nhập hợp pháp có được do đầu tư sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Ngược lại, đầu tư gián tiếp là hình thức đầu tư trong đó người bỏ vốn và người sử dụng vốn không cùng một chủ thể. Việc đầu tư được thực hiện thông qua việc mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, các giấy tờ có giá khác, quỹ đầu tư chứng khoán và thông qua các định chế tài chính trung gian khác mà nhà đầu tư không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư. Với tư cách là nước nhận đầu tư, hoạt động đầu tư gián tiếp ở Việt Nam được thực hiện dưới một số hình thức mà nhà nước trao quyền cho chủ thể tham gia đầu tư lựa chọn: Nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vay vốn trung hoặc dài hạn của các tổ chức, cá nhân nước ngoài khác để thực hiện dự án đầu tư; Chính phủ vay nước ngoài bao gồm vay ưu đãi hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay từ thị trường vốn quốc tế thông qua phát hành trái phiếu ra nước ngoài.
Điểm khác nhau cơ bản giữa hai hình thức đầu tư là ở chỗ nhà đầu tư có “trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư” hay không. Nếu nhà đầu tư trực tiếp tham gia vào việc điều hành, hoạt động doanh nghiệp theo tỷ lệ quy định thì họ là nhà đầu tư trực tiếp, nếu họ chỉ góp vốn đầu tư, mua cổ phần, cổ phiếu mà không can thiệp vào hoạt động quản lý đầu tư, họ là nhà đầu tư gián tiếp.
Với nhà đầu tư trực tiếp, họ có hai lựa chọn: một là bỏ vốn xây dựng một cơ sở kinh doanh mới (Greenfield investment), hai là bỏ vốn mua lại hay sáp nhập với một cơ sở kinh doanh có sẵn và tiếp tục hoạt động, phát triển. Hình thức đầu tư này được biết tới với cái tên M&A (Merger and Acquisition).
Tại Việt Nam, hình thức đầu tư này đang dần trở nên phổ biến hơn mà một trong những tiền đề quan trọng nhất là sự trưởng thành vượt bậc của thị trường chứng khoán Việt Nam. Là một trong hai hình thức FDI, M&A đang được Nhà nước hết sức quan tâm và khuyến khích phát triển.
Dưới góc độ tập trung kinh tế, Trong khi đầu tư nước ngoài là một thuật ngữ hết sức phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng thì tập trung kinh tế là một khái niệm mới được nhắc tới trong vài năm trở lại đây. Theo Luật Cạnh tranh, tập trung kinh tế là hành vi của doanh nghiệp bao gồm: sáp nhập doanh nghiệp, hợp nhất doanh nghiệp, mua lại doanh nghiệp, liên doanh giữa các doanh nghiệp, và các hành vi tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Như vậy M&A là một trong các hình thức tập trung kinh tế.
Tập trung kinh tế mang lại một số hiệu quả tích cực. Các doanh nghiệp có được lợi ích kinh tế theo quy mô, tăng thị phần, giảm chi phí kinh doanh trên mỗi sản phẩm đầu ra. Sự tích tụ vốn và các nguồn lực sản xuất cũng là một lợi thế làm tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Nền kinh tế sẽ trở nên vững chắc hơn vì các doanh nghiệp nhỏ, hoạt động thiếu hiệu quả đã được hợp nhất và tái cấu trúc bởi các doanh nghiệp lớn hơn. Tuy nhiên lạm dụng độc quyền và tập trung kinh tế lại gây tác dụng ngược lại vì nó được coi là một trong các hành vi hạn chế cạnh tranh – một vấn đề hết sức thiết thân đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi nước ta gia nhập WTO và cam kết mở cửa thị trường trong thời gian ngắn sắp tới. Các hành vi hạn chế cạnh tranh đã được quy định điều chỉnh trong Luật Cạnh tranh 2004, hoạt động M&A vì thế cũng chịu sự kiểm soát, điều chỉnh của Nhà nước thông qua các điều khoản của luật này.
[1] http://bacvietluat.vn/khai-niem-mua-ban-sap-nhap-ma.html
( Bài viết của Luật sư Vũ Ngọc Dũng - sao chép dưới mọi hình thức đề nghị xin phép tác giả - 0387696666 - 0386319999)
Bình luận
Bình luận bằng Facebook