/ / / /

XU HƯỚNG M&A: XU HƯỚNG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC QUỸ ĐẦU TƯ CHÍNH PHỦ


XU HƯỚNG M&A: XU HƯỚNG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC QUỸ ĐẦU TƯ CHÍNH PHỦ

Xu hướng hoạt động của các quỹ đầu tư Chính phủ

alt

“Sovereign Wealth Funds–SWFs” được hiểu với tên gọi là quỹ đầu tư quốc gia hay quỹ đầu tư chính phủ. Bài viết này tóm lược lại quá trình phát triển và xu hướng của các SWF, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam.

Lịch sử phát triển

Khái niệm “Sovereign Wealth Funds – SWFs” được hiểu với tên gọi là quỹ đầu tư quốc gia hay quỹ đầu tư chính phủ.  

Nguồn gốc của các quỹ này chủ yếu từ các nguồn: thặng dư từ xuất khẩu tài nguyên (đặc biệt là dầu mỏ), thặng dư ngân sách từ thuế, dự trữ ngoại hối và lợi nhuận từ hoạt động đầu tư. Trong một số trường hợp, nguồn tiền quan trọng của các quỹ SWF đến từ việc huy động trên thị trường tài chính. Mục tiêu hoạt động của các quỹ SWF hướng tới gia tăng lợi nhuận từ nguồn tiền dự trữ khổng lồ này. Ngoài ra, một số SWF còn được định hướng đến những chiến lược dài hạn của các quốc gia như tìm kiếm các nguồn năng lượng dầu mỏ, khoảng sản (đồng, sắt, thiếc, chì,…), các ngành công nghiệp, công nghệ quan trọng của các nước phát triển.

Hiện nay trên thế giới có khoảng 37 quỹ SWF trong đó có khoảng 10 quỹ được xem là lớn nhất thế giới. Các quỹ loại này hiện quản lý lượng tài sản lên đến 2.500 tỉ USD và ước tính con số này sẽ tăng lên 17.500 tỉ USD trong vòng 10 năm tới.

Những SWF lớn nhất thế giới (Tỷ USD)

  1. Quỹ đầu tư Abu Dhabi (ADIA): 470
  2. Quỹ Tiền tệ Saudi Arabia (SAMA): 390
  3. Quỹ đầu tư Norway (GPF): 326
  4. Qũy đầu tư Chính phủ Singapore (GIC): 300
  5. Quỹ đầu tư Kuwait (KIA): 240
  6. Quỹ đầu tư Trung Quốc (CIC): 210
  7. Quỹ dự trữ Nga: 88
  8. Liên hợp tài chính Temasek (Singapore): 80
  9. Quỹ đầu tư Qatar (QIA): 60

(Nguồn: McKinsey Global Institute, Financial News, 2009)

Xu hướng hoạt động của các SWFs

-   Xu hướng hợp tác liên kết  giữa các SWFs

Mục tiêu của các SWFs này nhằm giảm rủi ro và tối đa hóa lợi nhuận thông qua việc hình thành các nhóm nhà đầu tư chung. Điển hình cho xu hướng này là các SWFs thuộc sở hữu nhà nước như CIC (Trung Quốc), Tamasek, GIC (Singapore), Khazanah Nasional Berhad (Malaysia), Korea Investment Corp (Hàn Quốc), SAMA (Ả rập Xê-út), KIA (Kuwait). Thương vụ điển hình cho sự hợp tác này là các quỹ SWFs từ Trung Quốc, Singapore và Kuwait cũng chung sức với Blackrock trong thương vụ mua lại Barclays Global Investors. Việc liên kết sẽ giúp cho các quỹ thuộc sở hữu nhà nước tận dụng tốt những hiểu biết về từng địa phương,  phân tán rủi ro, tạo ra tác dụng đòn bẩy của dòng vốn và tối đa lợi nhuận. Ngoài ra, sự liên kết còn tạo ra những thực thể kinh doanh lớn hơn, đa dạng hơn và minh bạch hơn trong các chiến lược đầu tư dài hạn.

-    Xu hướng đầu tư sang các ngành công nghiệp quan trọng của Phương Tây:

Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã khiến các nước vùng Vịnh bị thua lỗ nặng trong các khoản đầu tư tài chính và nhà đất ở Mỹ, Anh. Nhờ giá dầu mỏ tăng, nguồn thặng dư ngân sách tiếp tục rút vào các quỹ SWFs và chiến lược đầu tư của họ là đa dạng danh mục đầu tư. Các nhà quản lý SWFs của vùng Vịnh nhận thấy lãi suất đang ở mức thấp nên đã đầu tư mạnh vào các ngành công nghiệp quan trọng ở Châu Âu. Những ngành ít bị ảnh hưởng của cuộc suy thoái được quan tâm bao gồm dược phẩm, viễn thông hay chế biến lương thực thực phẩm. Ngoài ra, một số ngành có công nghệ tiên tiến như năng lượng, ô tô cũng được đầu tư mạnh. Một số thương vụ điển hình như Quỹ đầu tư Qatar đầu tư gần 10 tỉ USD vào các hãng ô tô Volkswagen và Porsche của Đức năm 2009, Abu Dhabi mua 9,1% cổ phần của hãng xe Daimler năm 2008, Quỹ QIA đã có cổ phần trong các tập đoàn công nghiệp lớn và các bất động sản của Pháp.

Tuy nhiên xu hướng đầu tư của các SWFs này nhất là các quỹ đến từ vùng Vịnh cũng đang gặp phải một số trở ngại tại Châu Âu đó là các chính phủ Châu Âu e ngại việc đầu tư ngày càng mạnh vào các ngành công nghiệp chủ chốt dễ dẫn đến thâu tóm các doanh nghiệp, chi phối các hoạt động kinh tế nên họ đã ban hành các đạo luật để hạn chế sở hữu cổ phần vào các ngành công nghiệp chủ chốt. Ngoài ra, một số quỹ SWFs thực chất vẫn nằm trong quyền gia đình trị hiện đang điều hành đất nước nên cũng làm cho một số chính phủ Châu Âu quan ngại.

Chính phủ Trung Quốc thông qua tập đoàn đầu tư Trung Quốc (CIC ) một quỹ SWF lớn để đầu tư trực tiếp hoặc đứng đằng sau các công ty lớn Trung Quốc đầu tư vào các ngành công nghệ. Năm 2010, CIC và Intel Capital đã thông báo thỏa thuận hợp tác nhằm kết hợp nguồn lực của CIC với những thế mạnh về công nghệ của Intel Capital, cùng nhau tìm kiếm các cơ hội đầu tư ngoài TQ.

-  Xu hướng đầu tư vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, năng lượng, kim loại quý

Trong xu hướng đầu tư của SWFs ra nước ngoài gần đây nổi lên sự tham gia của Trung Quốc - tập đoàn đầu tư Trung Quốc (CIC). CIC được thành lập năm 2007 với nhiệm vụ đầu tư dự trữ ngoại tệ vào các tài sản rủi ro nước ngoài, hiện đang quản lý khoảng 300 tỷ USD và dự kiến nhận thêm 100-200 tỷ USD từ Chính phủ để tăng cường hoạt động đầu tư nước ngoài. Ngoài nhằm tới các khoản đầu tư vào danh mục trái phiêu của Mỹ, xu hướng CIC hướng đến thị trường tài nguyên thiên nhiên, năng lượng, kim loại quý nhằm thực thi chính sách bảo vệ tài nguyên quốc gia và tăng trưởng kinh tế dài hạn. Các nước giàu tài nguyên thiên nhiên được CIC nhằm tới bao gồm Brasil, Mexico, Canada, các nước Trung Á, Bắc Phi (Libya, Tunisia, Algeria), Russia.

Ấn Độ trước nhu cầu về dầu mỏ, kim loại quý ngày càng lớn cho nền kinh tế cũng đang xem xét thành lập SWF để đầu tư vào các nước Trung Á, Nga, ….

Sự phát triển hoạt động của các quỹ SWF trên thế giới đang tiếp tục có những xu hướng phát triển đa dạng và một số ngày càng mang tính chất chiến lược quốc gia có toan tính chính trị. Điều này cho thấy một thời kỳ mới của sự cạnh tranh gay gắt giữa các tập đoàn đa quốc gia của các nước phát triển Phương Tây và các nước đang phát triển có quy mô lớn đầy tham vọng như Trung Quốc, Ấn Độ.

Cơ hội cho Việt nam

Thứ nhất, Việt nam cần tận dụng cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư từ các Quỹ đầu tư chính phủ. Đặc biệt trong các kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn hoặc trong các kế hoạch kêu gọi đầu tư cho các dự án có quy mô lớn. Thực tế, những năm qua, một số SWFs đã có hiện diện qua một số thương vụ tại Việt nam như Temasek, Quỹ đầu tư Oman...

Thứ hai, đối với Việt Nam, việc thành lập các quỹ SWF là một đòi hỏi thực tế khách quan. Nằm trong một khu vực kinh tế tăng trưởng năng động nhất thế giới, Việt Nam phải tham gia sâu rộng hơn nữa vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu và thị trường tài chính năng động. Nhu cầu nguồn tài nguyên thiên nhiên và các công nghệ tiên tiến và một thế hệ các công ty Việt Nam đủ sức cạnh tranh quốc tế đang là thách thức cho tăng trưởng dài hạn của Việt nam. Sự ra đời và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) là một định hướng đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ và sẽ là công ty quản lý các quỹ SWF đảm bảo các mục tiêu chiến lược quốc gia, hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong thiết lập các mạng lưới sản xuất toàn cầu, đảm bảo các nguồn năng lượng quốc gia trong dài hạn. Trong một tương lai, chúng ta có thể thấy được một SCIC lớn mạnh sánh cùng các tên tuổi SWF trên thế giới như Temasek (Singapore), CIC (Trung Quốc), KIA (Kuwait). Ngay từ bây giờ, chúng ta phải thực hiện cho được tái cấu trúc nền kinh tế cho tăng trưởng những thập kỷ tới, xác định được vai trò, lĩnh vực, quy mô của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng, tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và chức năng quản lý hành chính, thống nhất đầu mối đại diện vốn nhà nước chịu trách nhiệm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp; tách bạch chức năng kinh doanh và chức năng chính trị trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này và quan trọng nhất vẫn là cải cách cho được tư duy hoạch định chiến lược, tư duy quản trị vốn nhà nước trong các cơ quan quản lý nhà nước và tham mưu cho chính phủ tiến tới các thông lệ đầu tư quốc tế của các SWF.

                                                                                                   Đoàn Nhật Dũng

(MAF) 

Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

" Luật sư sống bằng việc BÁN KIẾN THỨC và TRÍ TUỆ, SỰ HIỂU BIẾT. Khách hàng đến với Luật sư để MUA những thứ bạn có. Nếu bạn không những thứ đó thì sẽ bán gì cho khách hàng? Sự UYÊN THÂM trong nghề tạo ra giá trị thật sự cho thân chủ" - Luật sư Vũ Ngọc Dũng -0938188889

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Blog Vũ Văn Dũng. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến