Ghi hình phiên tòa: Nội quy của tòa không thể "to" hơn luật
Ghi hình phiên tòa: Nội quy của tòa không thể "to" hơn luật
(ĐSPL) - Dự thảo thông tư về nội quy phiên tòa của TAND Tối cao sẽ "to" hơn Luật Báo chí hiện hành, đi ngược với Nghị định 51 của Chính phủ, nếu được ban hành.
TAND Tối cao vừa công bố dự thảo Thông tư nội quy phiên tòa. Theo đó, khoản 5 Điều 2 nội quy phòng xử án quy định: "Các nhà báo, phóng viên được tham dự phiên tòa để đưa tin, đưa ảnh khi được sự đồng ý của chánh án tòa án nơi giải quyết vụ án hoặc thẩm phán chủ tọa phiên tòa nhưng phải xuất trình thẻ nhà báo, thẻ phóng viên cho thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút trước giờ khai mạc phiên tòa…”. Quy định này khiến dư luận đặt câu hỏi, lẽ nào Thông tư lại "to" hơn Luật?
Nội quy của Tòa không thể "to" hơn Luật
Bàn luận về dự thảo này, luật sư Vũ Ngọc Dũng, Công ty Luật Hợp danh cho biết: Tại điều 7 của Luật báo chí về nội dung cung cấp thông tin cho báo chí có quy định: "Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, giúp cho báo chí thông tin chính xác, kịp thời và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin", và chỉ không cung cấp thông tin "Đối với vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin".
Vì vậy, quy định này vừa không hợp lý vừa không hợp pháp. Có thể thấy "dự thảo" đang áp đặt quy định "vô lý" để tăng quyền kiểm soát của tòa nhưng mục đích gì thì cũng phải đảm bảo quyền tác nghiệp cho phóng viên, nhà báo vì nó liên quan đến quyền được thông tin của người dân. Hơn thế nữa, hạn chế phóng viên tác nghiệp cũng đồng nghĩa với việc chính tòa án đang đối đầu với quy định của "phiên tòa xét xử công khai".
Như vậy, việc hạn chế thông tin báo chí chỉ với các vụ án "đang được điều tra hoặc chưa xét xử" thì các cơ quan tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí.
Tại Nghị định 51/CP ngày 26/2/2002 quy định quyền của nhà báo "được hoạt động tác nghiệp lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai theo quy định của pháp luật”.
Xét về hiệu lực pháp luật thì các văn bản Luật, Nghị định có giá trị cao hơn so với các văn bản dưới Luật như là Thông tư.
"Xét đến cùng, các quy định khi ra đời phải tạo điều kiện cho việc áp dụng được tốt nhất, không gây vênh nhau giữa các văn bản pháp lý. Theo tôi nghĩ chỉ nên quy định về việc phóng viên, nhà báo tham gia phiên tòa xét xử chỉ cần xuất trình "Thẻ Nhà báo", "Giấy giới thiệu" chứ không nên quy định việc "Xin phép" và phải có "sự đồng ý" sẽ gây nhiều phiền hà cho quá trình tác nghiệp.", luật sư Dũng nhấn mạnh.
Văn bản dưới luật không thể trái luật
Có thể thấy rằng, xét về góc độ pháp lý thì việc bảo vệ nguồn tin là điều quan trọng, nhưng Luật Báo chí (sửa đổi, bổ sung năm 1999) cũng như Nghị định 51 ngày 26/4/2002 của Chính phủ quy định rõ nhà báo được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các thẩm phán, luật sư để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.
Vì vậy, quy định về "Nội quy phiên tòa không thể có giá trị cao hơn Luật. Nên dự thảo nội quy phải dựa trên một nguyên tắc phù hợp với các quy định có trước như: Luật, Nghị định.
Báo chí cũng đã được quy định nhiệm vụ, quyền hạn trong Hiến pháp mới, do vậy các văn bản luật và văn bản dưới luật phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của Hiến pháp, Luật báo chí, không thể quy định trái Luật. Hơn nữa, khi thông tin, báo chí cũng phải tuân thủ pháp luật, quy tắc nghề nghiệp, quy chuẩn về đạo đức người làm báo, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân.
Do đó, Thông tư đang dự thảo về Nội quy phòng xử án là cần nhìn nhận đa chiều, cân đối lợi ích của Tòa án với quyền lợi của Báo chí khi tham gia đưa tin. Điều đó sẽ giúp cho việc thông tin kịp thời, phát huy hết khả năng của báo chí trong công cuộc phòng chống tham nhũng, lên án cái xấu, cái ác, tôn vinh sự công bằng, cái thiện..., là một đội ngũ giám sát tránh những "lạm quyền", "oan sai" trong quá trình xét xử, đảm bảo thông tin đa chiều.
NGHỀ LUẬT SƯ THEO ĐSPL - http://www.doisongphapluat.com/phap-luat/van-ban-phap-luat/noi-quy-cua-toa-khong-the-to-hon-luat-a27033.html
Bình luận
Bình luận bằng Facebook