Luật sư Vũ Ngọc Dũng và góc nhìn pháp luật vụ Bác sĩ Chiêm Quốc Thái livestream ngực bệnh nhân
"Về bản chất vụ việc, câu chuyện của bác sĩ Chiêm Quốc Thái đến phòng bệnh tại Thẩm mỹ viện Việt Mỹ lì xì, tháo áo định hình trên ngực và dùng tay chạm vào vòng một, vòng ba của bệnh nhân, hướng dẫn cách chăm sóc hậu phẫu có các hành động gây”tranh cãi” là dùng tay nắn, bóp ngực của bệnh nhân vào ngày 27/2 và nhân viên của ông đã thực hiện việc quay "livestream" thì ai cũng biết. Thực tế sau khi có các luồng thông tin trái chiều tôi cũng đã xem lại clip trên và thấy các " thao tác” tay thực hiện của bác sĩ không có gì thái quá, nó biểu hiện của việc thăm, khám.
Về phần bệnh nhân cũng hoàn toàn tương tác thuận chiều và không có sự phản đối mạnh mẽ với hành động đó của bác sĩ. Nếu chúng ta xem kỹ thì thấy rằng: Việc khám ngực cho bệnh nhân nữ là bộ phận nhạy cảm nếu không " dùng tay” thì dùng gì để khám?
Hay việc dùng tay để kiểm tra phần mông của một bệnh nhân khác thì có lẽ theo tôi cũng là chuyện bình thường và giữa thanh thiên bạch nhật.
Bên cạnh đó trong phòng khám cũng có vài người nhân viên khác, đồng thời bác sĩ biết rằng đang quay video clip nên có lẽ chúng ta chấm dứt việc suy nghĩ: đó là hành vi " biến thái” hay phản cảm. Nếu việc này bác sĩ thực hiện một mình, trong phòng với chỉ một hoặc hai bệnh nhân nữ thì có lẽ tôi cũng sẽ nghĩ khác.
Vì vậy, nếu nhìn ở góc độ khác cần xem xét xem vị Bác sĩ " dùng tay” để khám này có vi phạm quy định của pháp luật dân sự về hình ảnh không? Hay có vi phạm luật quảng cáo không? ( nếu live stream vì mục đích quảng cáo), hay có vi phạm thuần phong mỹ tục gây phản cảm mạnh mẽ với dư luận không thì chúng ta có thể khách quan nhìn nhận khi căn cứ theo Luật quảng cáo năm 2012, Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009, Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật quảng cáo; và Thông tư 09/2015/TT-BYT quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế như sau:
Về góc độ Luật quảng cáo:
Giả sử đây là hành vi quay live stream để có tính chất quảng cáo thì chúng ta có các văn bản pháp luật rất rõ ràng và ở đó thể hiện nội dung rằng: Muốn quảng cáo dịch vụ thẩm mỹ viện phải xin giấy phép tại Cục Quản lý khám chữa bệnh thuộc Bộ y tế và quảng cáo đó phải nằm trong phạm vi nội dung pháp luật cho phép.
Các nội dung phải phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống, văn hoá Á Đông, và phù hợp với Việt Nam.
Nhìn ở góc độ này thì chúng ta thấy việc bệnh viện thẩm mỹ thực hiện "livestream" và có hình ảnh lộ ngực của bệnh nhân mặc dù đã đeo khẩu trang và dán đầu ngực nhưng có phần hơi " thô bạo” và mất "chuẩn mực thẩm mỹ” trong cách nhìn cũ của người Việt chúng ta.
Hơn thế nữa, việc livestream là tự phát và thực hiện đơn lẻ nên theo suy luận của tôi thì Bệnh viện này không có đăng ký và xin giấy phép trong trường hợp này. Với tính chất "chủ quan” của bác sĩ tôi thấy hành vi khám chữa bệnh dừng lại ở góc độ chuẩn mực chuyên môn. Nhưng hành vi quay video trực tiếp trên facebook là vi phạm quy định của Luật quảng cáo.
Về góc độ Luật dân sự:
Việc có thể kiện dân sự bệnh viện này hay không, tôi thấy hầu hết các bệnh nhân trong clip là che khẩu trang khi livestream, không có phản ứng ngược với việc quay phim. Bác sĩ cũng trao đổi với bệnh nhân nữ về việc các giữ gìn và chăm sóc sau thẩm mỹ. Trong lúc hướng dẫn có phần” đầu ngực là che vào để quay phim chứ không có gì”. Bệnh nhân sau đó còn đòi lì xì có nghĩa là có hiểu Tiếng Việt.
Về góc độ này tôi cho rằng: Chúng ta chưa thể kết luận được việc quay video theo hình thức livestream trực tiếp là bệnh viện của bác sĩ Thái đã trao đổi với khách hàng hay chưa? Đã có sự xin phép quay trực tiếp hay chưa? Bệnh nhân có phần chỉ biết là đang quay video chứ không biết đang livestream và để nhằm mục đích gì.
Do vậy, nếu bệnh nhân nữ bị quay clip lộ bầu ngực ( không lộ đầu ngực) không hiểu rõ mục đích quay, và không được phía bệnh viện xin phép đưa lên mạng xã hội khi sử dụng hình ảnh của mình thì có hoàn toàn quyền khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại, xin lỗi công khai sau khi phát hiện ra clip của mình bị đưa lên internet.
Ngoài ra, việc sử dụng hình ảnh này vì mục đích thương mại nếu được cho phép sử dụng bên phía bệnh viện phải trả thù lao cho người bị sử dụng hình ảnh đó cho việc thương mại.
Ở góc độ khác , bệnh nhân này và các bệnh nhân khác trong clip không có đồng ý về việc cho phép quay clip, và không biết việc quay clip này để đưa lên internet thì nếu có đủ chứng cứ bệnh viện đã xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của bệnh nhân, họ cũng có thể khởi kiện dân sự đòi bồi thường thiệt hại.
Quy định tại Điều 32, khoản 3, Bộ Luật Dân sự năm 2015 cũng có chế tài cho việc sử dụng hình ảnh mà không có sự đồng ý của cá nhân hay sử dụng hình ảnh vào mục đích xấu gây tổn hại cho người có hình ảnh thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật và yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo qui định của pháp luật.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm e, điểm g khoản 3 điều 66 Nghị định 174/2013 quy định phạt tiền 10 đến 20 triệu đồng nếu thỏa mãn các hành vi như thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì cơ quan có thẩm quyền có thể ra quyết định xử phạt bệnh viện thẩm mỹ này.
Ở góc độ người xem clip:
Đây là clip độc hại cho các đối tượng nhỏ tuổi. Do vậy cần nghiêm túc xem xét lại đối với bên Bệnh viện đã phát hành clip trên. Sự tác động tới tâm sinh lý của tuổi đang dậy thì rất mạnh mẽ, e rằng những clip như thế này không thỏa mãn yêu cầu để được đưa lên hệ thống internet – thế giới phẳng - vì nó tác động không tích cực tới đối tượng nhỏ tuổi.
Tóm lại, Mặc dù trong quan hệ dân sự giả sử có thể đã được sự đồng ý của những người trong clip, nhưng góc độ Luật quảng cáo và tính tiêu cực khi lan truyền trên mạng internet là cần phải nghiêm túc xem xét và xử lý nghiêm khi thấy có vi phạm./.
Bình luận
Bình luận bằng Facebook