Nghiên cứu M&A: Hình thức chuyển nhượng cổ phần, vốn góp trong thương vụ M&A ( Bải 38)
Hình thức M&A: hình thức chuyển nhượng cổ phần, vốn góp trong thương vụ M&A Việt Nam
Luật cạnh tranh không quy định chi tiết về chuyển nhượng cổ phần và chuyển nhượng vốn góp mà sử dụng khái niệm mua lại doanh nghiệp. Mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp. Đây thực chất là một quan hệ chuyển nhượng quyền trong doanh nghiệp gắn liền với việc dịch chuyển một khoản tiền từ bên nhận chuyển nhượng sang bên chuyển nhượng
Những quy định về chuyển nhượng cổ phần: Theo quy định tại Khoản 5 Điều 87 Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì: “Việc chuyển nhượng cổ phần được thực hiện bằng văn bản theo cách thông thường hoặc bằng cách trao tay cổ phiếu. Giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc đại diện ủy quyền của họ ký. Bên chuyển nhượng vẫn là người sở hữu cổ phần có liên quan cho đến khi tên của người nhận chuyển nhượng được đăng ký vào sổ đăng ký cổ đông”. Các quy định về thời điểm, phương thức và giá chào bán cổ phần, cổ phần chào bán lần đầu, cổ phần chào bán cho tất cả cổ đông theo tỷ lệ cổ phần hiện có của họ ở công ty, chào bán cho người môi giới. Việc mua bán cổ phần có thể được trao cổ phiếu hoặc không. Trong trường hợp không trao cổ phiếu thì được ghi vào sổ cổ đông để chứng minh quyền sở hữu cổ phần của cổ đông. Cổ phần được tự do chuyển nhượng trừ các quy định như: cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết, hoặc sự hạn chế chuyển nhượng cổ phần phổ thong của cổ đông sáng lập như: “ trong thời gian ba năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác. Nhưng chỉ chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải làm cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông”. Trong trường hợp này về tư cách cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó và người nhận chuyển nhượng đương nhiên trở thành cổ đông sáng lập của công ty. Sau thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập đều được bãi bỏ.Phương thức trong việc chuyển nhượng cũng được quy định rõ, được thể hiện bằng văn bản, hoặc trao tay cổ phiếu. Mọi thủ tục sẽ hoàn thành khi thực hiện xong việc bên nhận chuyển nhượng được đăng ký vào sổ đăng ký cổ đông.
Từ thực trạng các quy định về bán cổ phần pháp luật doanh nghiệp đã quy định khá chi tiết trình tự, thủ tục, quy trình để thực hiện việc bán cổ phần. Tuy nhiên trong hoạt động M&A việc mua lại vốn góp/cổ phần luôn gặp phải những hạn chế trong quy định về điều kiện tham gia. Những quy định hạn chế đối với một công ty cổ phần nếu trong thời gian 3 năm đầu chỉ có thể bán cổ phần phổ thông lại cho nhau trong cổ đông sáng lập là tự do và sự hạn chế khi muốn bán ra ngoài. Tuy nhiên với những cổ phần ghi danh thì tuyệt nhiên sẽ không được bán trong thời gian ba năm đầu tiên. Việc muốn bán cổ phần ra bên ngoài cho những người không phải là cổ đông sáng lập trong công ty chỉ thực hiện khi có sự đồng ý của Đại Hội đồng cổ đông. Thông thường thì các thương vụ cũng thường diễn ra với các công ty có vị thế trên thị trường, có sự phát triển mạnh mẽ và số lượng cổ phần phổ thông trong công ty thường được đăng ký với số lượng gần như tuyệt đối. Các công ty mà có cổ phần ưu đãi còn ít, quan hệ cổ đông cũng khá thân thiết ( trừ các công ty đã đại chúng).
Quy định của Luật doanh nghiệp về nhượng phần vốn góp: Tại Điều 53 quy định về chuyển nhượng phần vốn góp là: “ thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác” trước hết phải chuyển nhượng cho các thành viên trong công ty TNHH. Nếu các thành viên đó từ chối, thì mới được chào bán và chuyển nhượng đối với người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chào bán. Thành viên chuyển nhượng vẫn có các quyền và nghĩa vụ đối với công ty tương ứng với phần vốn góp có liên quan cho đến khi thông tin về người mua được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên.
Trường hợp chuyển nhượng hoặc thay đổi phần vốn góp của các thành viên dẫn đến chỉ còn một thành viên trong công ty, công ty phải tổ chức hoạt động theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và đồng thời thực hiện đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc chuyển nhượng.
Cụ thể tại Điều 44 Luật doanh nghiệp 2005 quy định thành viên Công ty TNHH hai thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác như sau (Trừ trường hợp thành viên sử dụng phần vốn góp để trả nợ) nhưng: “ (i) Phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện; (ii) Chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chào bán”.
Với các quy định hiện tại về mua lại phần vốn góp trong công ty Trách nhiệm hữu hạn ta thấy Luật quy định đúng theo tinh thần công ty TNHH là một mô hình công ty khép kín, phù hợp với kiểu kinh doanh truyền thống, chống xâm nhập của kẻ lạ mặt. Do vậy việc mua lại phần vốn góp trong Công ty TNHH không được tự do như trong Công ty cổ phần. Các quy định chặt chẽ này giúp cho quá trình thôn tín không lành mạnh sẽ bị hạn chế. Sự quyết định sẽ thuộc về các thành viên nội bộ công ty. Điều này giúp cho các mô hình kinh doanh đòi hỏi giữ bí quyết kinh doanh, bí mật công ty được bảo toàn hơn. Mặt khác với việc chào bán nội bộ rồi mới được chào bán ra bên ngoài khiến cho việc mua lại phần vốn góp của các thành viên bên ngoài được công ty kiểm soát chặt chẽ hơn, dự tính và nhận diện được có sự thôn tính không lành mạnh không. Quá trình thâu tóm với loại hình này sẽ khó khan hơn.
Tuy nhiên với quy định đóng như vậy, các hoạt động M&A diễn ra ở hình thức công ty TNHH này thường vấp phải sự khó khăn do tính “ nhân thân” của các thành viên rất cao. Bản thân vấn đề biểu quyết về việc mua bán vốn trong công ty TNHH không được mở như công ty cổ phần. Cũng chính lẽ này mà việc điều chỉnh hoạt động M&A mà cụ thể là chuyển nhượng vốn trong công ty TNHH khi thực hiện thương vụ hay bị “ vỡ trận” do vấn đề nội bộ không thống nhất.
( Bài viết của Luật sư Vũ Ngọc Dũng - sao chép dưới mọi hình thức đề nghị xin phép tác giả - 0387696666 - 0386319999) #vungocdung #mavietnam #bacvietluat #luatsu #muabandoanhnghiep
Bình luận
Bình luận bằng Facebook