/ / /

Tạm ngừng thực hiện hợp đồng do một bên không thực hiện đúng hợp đồng


Tạm ngừng thực hiện hợp đồng do một bên không thực hiện đúng hợp đồng

Doanh nghiệp tư nhân cà phê Napoli ký hợp đồng bán cà phê cho quán cà phê của bà Điệp trong đó có thỏa thuận bên bán sẽ tài trợ cho bên mua một bảng hiệu hộp đèn, một tấm bạt và thay một số ghế cũ nhưng bên mua phải lấy trung bình mỗi tháng từ 30 kg cà phê trở lên và phải thực hiện trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày 28/09/2006 đến ngày 28/09/2008.

            Sau đó đôi bên phát sinh tranh chấp và Tòa phúc thẩm đã công nhận hợp đồng có hiệu lực và chịu sự điều chỉnh của Luật thương mại 2005. Tòa phúc thẩm xét rằng nguyên đơn không chứng minh được đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình là thay một số ghế cũ cho quán của bị đơn như thỏa thuận tại Điều III của hợp đồng. Tòa phúc thẩm đã căn cứ vào khoản 2 Điều 415 BLDS 2005 để kết luận bị đơn có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ của mình (là mua cà phê của nguyên đơn) cho đến khi nguyên đơn thực hiện việc thay một số ghế cũ cho bị đơn như đã thỏa thuận.

Bình luận của tác giả:

Điều kiện để hoãn thực hiện hợp đồng theo khoản 2 Điều 415 BLDS 2005 là: (i) quan hệ giữa các chủ thể phải là quan hệ hợp đồng song vụ; (ii) khi bên có nghĩa vụ thực hiện trước chưa thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến hạn.

Pháp luật dân sự Việt Nam chưa có quy định về hoãn thực hiện đối với nghĩa vụ của cùng hai bên nhưng xuất phát từ hai hợp đồng khác nhau. Tương tự, chúng ta chưa có quy định về việc hoãn thực hiện trong trường hợp các bên phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả do hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu hay do hợp đồng bị hủy bỏ. Đối với những trường hợp này, có lẽ chúng ta nên áp dụng nguyên tắc “tương tự pháp luật” theo Điều 3 BLDS và do đó việc hoãn thực hiện không giới hạn ở quan hệ hợp đồng song vụ.

Theo khoản 2 điều 415 BLDS thì bên có quyền được hoãn thực hiện khi bên thực hiện nghĩa vụ trước chưa thực hiện nghĩa vụ của mình. Việc quy định như trên là chưa thuyết phục. VD, A bán cho B một tài sản. A đã giao tài sản và B chưa trả tiền vì chưa đến hạn. Tuy nhiên, sau khi nhận tài sản, B phát hiện tài sản này có khiếm khuyết so với hợp đồng. Nếu theo đúng khoản 2 điều 415 BLDS thì B không có quyền hoãn. Tuy nhiên, nếu làm theo phương hướng này thì không hợp lý. Giải pháp hợp lý ở đây là B vẫn có quyền hoãn cho đến khi A giao tài sản đúng với thỏa thuận. Do vậy nên thay thuật ngữ “chưa” thành cụm thuật ngữ “không thực hiện đúng” nghĩa vụ.

Trong bản án này, bên bán chưa thực hiện nghĩa vụ thay thế ghế cũ bằng ghế mới. Tuy nhiên, để có thể áp dụng đúng khoản 2 điều 415 BLDS (cho phép bên mua được quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ của mình) thì nghĩa vụ của bên bán về thay thế ghế phải là nghĩa vụ thực hiện trước. Không có cơ sở nào trong bản án để khẳng định bên bán phải thay thế ghế trước rồi mới đến lượt bên mua thực hiện nghĩa vụ mua cà phê. Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 414 BLDS 2005: “Trong trường hợp các bên không thỏa thuận bên nào thực hiện nghĩa vụ trước thì các bên phải đồng thời thực hiện nghĩa vụ đối với nhau …” Với quy định này thì chúng ta có thể suy luận quan hệ giữa các bên trong vụ việc này thuộc trường hợp “phải đồng thời thực hiện nghĩa vụ đối với nhau” không? Nếu là trường hợp đồng thời thực hiện nghĩa vụ thì việc áp dụng khoản 2 Điều 415 là không phù hợp bởi để áp dụng điều khoản này thì giữa các bên phải là quan hệ nghĩa vụ “trước” và “sau”.

Như vậy, pháp luật Việt Nam về hoãn thực hiện chưa dự liệu được tình huống cả hai nghĩa vụ đồng thời phải được thực hiện trong khi đó nhiều hệ thống pháp luật cho phép áp dụng hoãn thực hiện hợp đồng khi một bên không sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp các bên phải thực hiện nghĩa vụ cùng thời điểm. VD Điều 9:201 Bộ nguyên tắc châu Âu về hợp đồng: “Một bên phải thực hiện cùng lúc với bên kia có thể hoãn thực hiện nghĩa vụ của mình khi đối tác chưa sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ của họ”.

Tòa phúc thẩm xác định hợp đồng này chịu sự điều chỉnh của Luật thương mại 2005 nhưng đối với quyền hoãn thực hiện hợp đồng của bên mua, Tòa phúc thẩm lại áp dụng khoản 2 Điều 415 BLDS 2005 trong khi Luật thương mại 2005 cũng có quy định về hoãn thực hiện hợp đồng và sử dụng thuật ngữ là “tạm ngừng thực hiện hợp đồng” tại điều 308 và 309. Mặc dù đều cho phép một bên không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng khi đến hạn nhưng Luật thương mại và BLDS đưa ra những điều kiện rất khác nhau. Theo Luật thương mại, một bên chỉ được tạm ngừng thực hiện phần của mình khi bên kia vi phạm cơ bản hợp đồng (khoản 2 Điều 308). Như vậy, những vi phạm nhỏ không cho phép bên bị vi phạm áp dụng biện pháp hoãn/tạm ngừng thực hiện hợp đồng. Quy định tương tự không tồn tại trong pháp luật dân sự nên vi phạm nhỏ hay vi phạm nghiêm trọng đều cho phép áp dụng việc hoãn thực hiện hợp đồng[1]. Nếu áp dụng Luật thương mại 2005 thì rất khó thừa nhận quyền hoãn của bên mua trong vụ việc được bình luận. Bởi lẽ, rất khó khẳng định việc bên bán không thay thế ghế cũ là vi phạm cơ bản hợp đồng. Ngược lại, điều kiện này không tồn tại trong pháp luật dân sự nên việc áp dụng pháp luật dân sự thuận lợi hơn cho bên muốn thực hiện quyền hoãn.

Theo Luật thương mại 2005, tạm ngừng thực hiện hợp đồng được áp dụng trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của luật này. Trong khi đó, theo Điều 294 Luật thương mại 2005, bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong một số trường hợp bao gồm trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng. Như vậy, theo luật thương mại Việt Nam hiện hành, nếu một bên không thể thực hiện nghĩa vụ của mình do bất khả kháng thì bên kia không có quyền hoãn/tạm ngừng thực hiện các nghĩa vụ tương ứng của mình[2]. Quy định tương tự không tồn tại trong pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành.

Ý nghĩa của quyền hoãn/tạm ngừng thực hiện hợp đồng: với quyền này, bên có nghĩa vụ đến hạn đáng lẽ phải thực hiện thì họ được phép không thực hiện và việc này không kéo theo các chế tài thông thường vốn được áp dụng khi xảy ra việc không thực hiện đúng hợp đồng như phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại, lãi chậm trả v.v…



[1] Việc vận dụng chế định này có thể dẫn tới lạm dụng. Do đó, chúng ta cần kết hợp hoãn thực hiện hợp đồng với nguyên tắc thiện chí trong thực hiện hợp đồng (Điều 6 BLDS).

[2] Tuy vậy, pháp luật của Pháp cho phép theo hướng ngược lại. Theo đó, khi A không giao tài sản do sự kiện bất khả kháng thì B được quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ thanh toán của mình.

Tác giả: Đỗ Văn Đại

Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

" Luật sư sống bằng việc BÁN KIẾN THỨC và TRÍ TUỆ, SỰ HIỂU BIẾT. Khách hàng đến với Luật sư để MUA những thứ bạn có. Nếu bạn không những thứ đó thì sẽ bán gì cho khách hàng? Sự UYÊN THÂM trong nghề tạo ra giá trị thật sự cho thân chủ" - Luật sư Vũ Ngọc Dũng -0938188889

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Blog Vũ Văn Dũng. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến