Đô thị ngầm, giao thông ngầm và giá trị bất động sản tầm thế kỷ, góc nhìn Luật sư
Singapore và điều kỳ diệu
Nếu ai đã từng tới Singgapore, cũng đều ngỡ ngàng bởi khác với sự bình yên trên mặt đất, ở trong lòng đất là cả một thành phố, một thế giới khác mà con người đang tấp nập, nhộn nhịp di chuyển, kinh doanh, sinh sống.
Hệ thống giao thông tại Singapore tương đối hoàn chỉnh và khép kín với tổng chiều dài trên 3.000 km. Hệ thống giao thông đại chúng tốc độ cao (MRT) tại Singapore được khởi công ngày 22 tháng 10 năm 1983 ở đường Shan. Hệ thống giao thông đại chúng tốc độ cao đã chính thức đi vào hoạt động ngày 12/3/1988 dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Lý Quang Diệu. Sau đó, 21 trạm khác đã đi vào hoạt động cùng với sự mở cửa của trạm Bôon Lay trên tuyến Đông – Tây ngày 6 tháng 7 năm 1990, đánh dấu sự hoàn thành trước thời hạn 2 năm của toàn hệ thống. Hệ thống này chiếm khoảng 1,2 tỷ đô la Mỹ tại Singapore.
Hệ thống MRT xứng đáng là phương tiện di chuyển có hiệu quả nhất ở đảo quốc này. Tốc độ, sạch sẽ, tiện lợi bởi sự kết nối và rẻ tới bất ngờ. Nếu ai đó, mua một chiếc ô tô cá nhân ở Singapore thì số tiền đó có thể đi tàu điện ngầm cả đời mà không hết. Chỉ vài đô là Singapore có thể giúp bạn di chuyển một quảng đường rất dài, tới được rất nhiều nơi là điểm du lịch hay công sở làm việc tại Quốc gia này. Mass Rapid Transport là thuật ngữ gốc của từ MRT. Hệ thống MRT có 3 tuyến chính:
* Tuyến Nam-Bắc từ vịnh Marina đến Jurong East và rất dễ phân biệt để người ít hiểu biết nhất cũng có thể di chuyển và được định dạng bằng màu đỏ.
* Tuyến Đông-Tây từ sân bay Changi/Pasir Ris đến Boon Lay, tuyến này có màu tím.
* Tuyến Đông-Bắc từ Harbour Front đến Puggol có màu xanh lá cây, và với 3 tuyến này có thể giúp chúng ta gần như đi trọn vẹn Singapore mà không cần tới các phương tiện cá nhân hay phương tiện công cộng khác trên mặt đất.
Khi di chuyển, ta để ý dưới chân lối di chuyển từ trên mặt đất xuống lòng đất luôn có đường line dành cho người khiếm thị và được tạo gờ thẳng tắp để tiện nhận ra bằng thiết bị hoặc bằng các công cụ dẫn đường cho người khiếm thị. Khi tới các ga trung chuyển (Interchange) bạn có thể dễ dàng đi tiếp chặng đường hoặc quay lại nơi bạn đã xuất phát. Việc thuận tiện nhất cho di chuyển hầu hết được khuyến cáo người di chuyển mua loại vé phổ thông hay còn gọi là vé tiêu chuẩn (Standard Ticket) tại các quầy bán vé tự động. Khi bạn mua vé thì máy sẽ hỏi bạn đi tới ga nào, việc của bạn là bỏ tiền vào máy và nhận được tấm vé cứng như thẻ ATM, bạn có thể di chuyển vào ở chặng cuối thì hệ thống sẽ nuốt vé và giữ lại để sử dụng cho các hành khách tiếp theo sử dụng. Lúc mua vé hoàn thành bạn buộc phải đặt cọc số tiền 1 đô Singapore ( SGD) và khi tới ga cuối cùng đến bạn sẽ lại đưa chiếc thẻ này vào máy một lần nữa để nhận lại 1 SGD tiền đặt cọc của chiếc vé này.( 1USD này là số tiền phòng trường hợp quý khách không trả lại thẻ - vé cứng kia). Nếu bạn nhỡ ấn nhầm 2 lần khi cửa vào ở bất kể điểm vào nào đồng nghĩa với việc chặng cuối cùng rời ga bạn sẽ không thể nào được ra ngoài do chiếc thẻ đó vô hiệu, nghĩa là bạn phải trả thêm 1 đô la Singapore để bạn được bước ra ngoài.Khi di chuyển ở đất nước này, tôi cũng mong sao Việt Nam có những tuyến tàu điện ngầm như thế, nhưng chờ mãi, nửa đời người tôi vẫn chưa được nhìn thấy điều này thành hiện thực.
Giá vé từ sân bay Changi đến một số địa chỉ tham quan nổi tiếng như sau ( có thể đã điều chỉnh một số tuyến).
- Giá vé từ Changi đến Aljunied (phố Geylang): 1,49 SGD/người
- Giá vé từ Changi đến Bugis:1,65 SGD/người
- Giá vé từ Changi đến China Town: 1,83 SGD/người
- Giá vé từ Changi đến vịnh Marina (trạm City Hall): 1,69 SGD/người
- Giá vé từ Changi đến trạm Habour Front (đảo Sentosa): 1,98 SGD/người
Cảm giác của người đi MRT sẽ còn lại là: chắc chắn lần sau chúng ta sẽ tiếp tục lựa chọn phương tiện này để di chuyển. Thật văn minh, lịch sự và thuận lợi. Vừa kinh tế lại vừa không ô nhiễm, đó cũng là giải pháp quốc gia mà Singapore hạn chế phương tiện công cộng rất hiệu quả.
Hệ thống tàu điện ngầm ở Singapore hoạt động từ 5h30 sáng đến 1h sáng ngày hôm sau. Riêng với những dịp lễ tết như đêm giao thừa, Tết âm lịch, lễ Deepavali, lễ Hari Raya, Giáng sinh và những dịp đặc biệt như ngày mất của Lý Quang Diệu, tàu điện ngầm sẽ hoạt động 24/24.
Ngoài việc các chuyến tàu rất đúng giờ, thuận tiện cho người dân sử dụng, các sân ga tàu điện của Singapore cũng được nâng cấp thường xuyên nhằm đem lại trải nghiệm tốt nhất cho hành khách. Hệ thống nhà ga có thang máy và sàn có cảm nhận bằng xúc giác cho người khiếm thị. Ngoài ra, họ còn xây dựng những lối xe lăn dành cho người khuyết tật và bị bệnh.
Khách có thể mua thẻ trả trước (Ezlink card) để sử dụng trên tất cả các phương tiện giao thông công cộng ở Singapore. Giá của thẻ là 15 SGD trong đó có 5 SGD không được hoàn trả nếu không sử dụng. Thẻ này sẽ giúp cho bạn tiết kiệm được chi phí đi lại nếu ai đó sống ở Singapore trong một thời gian dài. Tàu điện và các bến tàu của Singapore đều được thiết kế để có thể phục vụ cả người sử dụng xe lăn và người khiếm thị. Hệ thống tàu điện ngầm đều có quy định tránh rủi do như: cấm mang các vật dễ cháy (phạt 5.000 SGD), cấm ăn uống, hút thuốc lá (phạt 1.000 SGD), xả rác bừa bãi (phạt 500 SGD). Do đó đa số người tới Singapore đều thích sử dụng hệ thống này cho việc di chuyển của mình.
Lại nói tới hệ thống giao thông tuyệt vời này, chúng ta cũng cần hiểu lịch sử ra đời của loại phương tiện mà cả thế giới hiện đại sử dụng. Tốc độ, khả năng vận chuyển và tính tiện lợi ở các quốc gia đang sử dụng.
Nước Anh là nước đầu tiên trên thế giới xây đường tàu điện ngầm, đoạn tàu điện ngầm đầu tiên chỉ dài 6 km. Tầu điện ngầm chạy nhanh nhất thế giới lại thuộc về Shanghai Maglev (431 km/h) - Trung Quốc. Maglev là tàu điện thương mại nhanh nhất thế giới của Trung Quốc với vận tốc tối đa 431 km/h, không chạy trực tiếp trên đường ray mà sử dụng nệm từ trường giúp con tàu lơ lửng và tiến về phía trước với tốc độ không tưởng. Lượng vận chuyển hành khách lớn nhất lại nằm ở Matxcơva của Nga, mỗi năm 2,5 lượt tỉ người. Đường tàu điện ngầm thuận tiện nhất thuộc về Paris Pháp theo một số tư liệu đánh giá và tổng hợp. Ở các quốc gia tầu điện ngầm được kết hợp giữa đường tàu trong lòng đất và nổi trên mặt đất( tùy theo địa chất). Nếu theo thống kê hiện tại thì chỉ có 10 đường là hoàn toàn trong lòng đất. Thường thì ở nơi sầm uất tàu điện sẽ làm dưới mặt đất, còn lại dùng cầu vượt hoặc đi trên mặt đất để giảm bớt khó khăn và giá thành thi công.
Tại Malaysia hoặc Singgapore thậm chí việc thi công tàu điện ngầm còn sau cả khi thi công những công trình vĩ đại. Các công trình lớn, các tòa nhà có chiều cao hàng trăm tầng đã xây dựng vẫn được các kiến trúc sư tìm cách " xẻ" đất trong lòng để làm hệ thống tàu điện.
Một số hệ thống tàu điện MRT của các nước theo thống kê không chính thức như sau:
Ở Anh, tàu điện MRT chính là tuyến đường sắt ngầm lâu đời nhất trên thế giới, có niên đại từ năm 1863. Thường được biết đến là hệ thống dạng ống, mạng lưới tàu điện ngầm của London có sự kết hợp của các hệ thống lâu đời nhất trên thế giới, phục vụ hơn 270 trạm và hơn 3 triệu người trong một ngày.
Ở Mỹ tại New York được khai triển từ năm 1894, ước tính có khoảng 468 trạm điều hành và có lưu lượng hoạt động lớn thứ tư trên thế giới - 3 triệu người/năm, tốc độ trung bình đạt khoảng 29km/h và hệ thống tàu điện ngầm thành phố New York là một trong những hệ thống lâu nhất thế giới, hoạt động 24 giờ một ngày.
Ở Paris Pháp, với chiều dài 212 km thông qua 384 trạm trong diện tích 65 km vuông của thành phố Paris và Paris Metro là một trong những nơi bận rộn nhất trên thế giới. Hệ thống này được xây dựng vào tháng 7 năm 1900, hệ thống tàu điện ngầm được thiết kế theo lối Art Nouveau cổ điển, của nhà thiết kế nổi tiếng Hector Guimard và khả năng vận chuyển 4 triệu khách mỗi ngày, với vận tốc trung bình là 22 km/h. Đặc biệt là đường xe số 14 khai trương năm 1998 hoạt động với các xe hoàn toàn tự động (không người lái). chỉ còn số ít các tác phẩm của ông còn tồn tại đến ngày nay, số còn lại đã được thay thế hoặc xây mới hoàn toàn hay cải tạo để nâng cao sức vận tải và phù hợp với cuộc sống hiện đại. Trong dự án Greater Paris Metro của thành phố hướng tới năm 2040, nhà ga sẽ phục vụ đủ 1,5 tỷ người mỗi năm.
Ở Moscow Nga, hệ thống Metro vận chuyển 9 triệu lượt khách (2,4 tỷ người/năm) với 12 tuyến và 182 nhà ga, làm cho nó trở thành hệ thống tàu điện bận rộn nhất ở châu Âu. với lối kiến trúc của nhà ga được sử dụng đá cẩm thạch và đồng, tất cả cửa sổ bằng kính thủy tinh và đèn chùm dạng cây. Vào năm 2020, thành phố sẽ mở rộng thêm 145 km vuông để đáp ứng đủ nhu cầu vận chuyển. Hệ thống này cũng rất lâu đời từ những năm 1935. Đến nay metro Moskva đã có 265 km và 164 nhà ga, đạt năng lực vận chuyển 12,1 triệu hành khách/km/năm, vận tốc trung bình đạt 41 km/h.
Ở HongKong, hệ thống MRT có cả WiFi miễn phí có sẵn trong tất cả các trạm của mình để phục vụ du khách. Hệ thống MRT Hong Kong nổi tiếng là sạch sẽ, giá rẻ, và đáng tin cậy. Đây còn là mạng lưới đường sắt cao tốc hiệu quả vô cùng với sự chính xác 99% về thời gian, đây được coi như là tiêu chuẩn vàng của các hệ thống tàu điện ngầm hiện có trên thế giới và hiện đại bậc nhất thế giới. Hệ thống Mass Transit Railway của Hồng Kông chuyên chở hơn 4 triệu người/ ngày ( 1,5 tỷ người/ năm) giữa 155 trạm với trên 220 km đường sắt. Gần 90 phần trăm dân số thành phố sử dụng và phụ thuộc vào giao thông công cộng bởi các phương tiện cá nhân cực kỳ đắt đỏ và việc duy trì nó cũng là một điều không phải ai cũng có điều kiện kinh tế. Do đó, việc sử dụng phương tiện công công như một lựa chọn tuyệt vời và tốt nhất vào thời điểm hiện tại ở Quốc gia này.
Ở Bắc King, khả năng vận chuyển khách hiện đạt trên dưới 3,2 tỷ hành khách mỗi năm, hệ thống tàu điện ngầm Bắc Kinh là bận rộn nhất thứ hai trên thế giới. Hệ thống tàu điện ngầm ở Bắc Kinh bắt đầu hoạt động vào năm 1979. Để phục vụ cho Thế Vận Hội Bắc Kinh năm 2008, nó đã được mở rộng lên tới gần 480km. Các tàu điện ngầm đang tiếp tục điều chỉnh để theo kịp với tốc độ tăng dân số của thành phố: Trong tháng 12 năm 2014, Bắc Kinh đã mở 60 km, ngoài 378 km thêm vào giữa năm 2007 và năm 2014. Chính vị điều này mà tới thời điểm hiện tại hệ thống tàu điện ngầm Bắc Kinh dài thứ 2 trên thế giới, 526 km.
Tại Tokyo Nhật Bản, Hệ thống tàu điện ngầm Tokyo Metro là hệ thống lớn nhất và đông nhất trên thế giới. Tàu điện ngầm Tokyo nổi tiếng thế giới về hiệu quả thiết kế và hoạt động với khả năng chuyên chở hơn 3,3 tỷ người hàng năm, hơn 8,7 triệu lượt mỗi ngày. Hệ thống MRT Tokyo Nhật Bản với 300 nhà ga tại hầu hết mọi nơi trong thành phố Tokyo. Hệ thống tàu điện ngầm ở Tokyo có 102 tuyến đường trải dài 322km và người dân cũng đang chọn phương tiện này làm phương tiện di chuyển chính do tính kinh tế và hiệu quả. Phương tiện cá nhân cũng đắt đỏ và không phải ai cũng có thể sở hữu và duy trì.
Người Nhật hiếm khi nhường ghế cho những người khác. Đơn giản họ cho rằng không muốn làm phiền người khác và người già thì họ nghĩ họ chưa vô dụng đến mức phải nhường.
Nhưng nếu bạn có chỗ ngồi và nhường cho một người già, hoặc phụ nữ có thai tất nhiên họ cũng sẽ cám ơn bạn. Nếu họ không sử dụng, bạn cũng đừng ngạc nhiên nhé, bởi chuyện đó hết sức bình thường ở Nhật Bản. Hệ thống MRT ở Nhật không bao giờ có một sợi rác, giấy rơi trên tàu. Và cũng không có mùi hôi. Mùa Đông ấm ấp, mùa Hè mát lạnh. Tại các đường ray đợi tàu, bạn cũng khó có thể ngửi thấy mùi khí thải của tàu.
Điều đặc biệt hơn cả hệ thống MRT Nhật Bản hiếm khi trễ tàu, trừ phi có tai nạn giao thông. Điều này khiến cho hệ thống điều hành quản lý tàu điện Nhật Bản được cả thế giới khâm phục. Bạn cứ tưởng tượng xem trong 1 phút tại ga Tokyo, Shinjuku, hay Shibuya có hàng trăm chuyến tàu giao nhau như vậy, nếu không chính xác sẽ gây tai nạn liên hoàn. Với người Nhật, việc đúng hẹn luôn là tiêu chí số 1 đánh giá sự lịch thiệp và nguyên tắc của họ.
Trong hệ thống MRT của Nhật bạn sẽ không hề nghe thấy tiếng chuông điện thoại reo trên tàu. Thậm chí các chuyến tàu còn cấm bạn nghe điện thoại. Đôi lúc có tiếng điện thoại reo, nhưng có lẽ đó là tiếng điện thoại của người ngoại quốc, thâm chí ngay cả trên đường đi bộ, bạn cũng hiếm nghi nghe thấy tiếng điện thoại reo.
Ở Tây Ban Nha và thành phố Madrid là thành phố đông dân thứ 50 trên thế giới nhưng lại có hệ thống tàu điện ngầm dài thứ 8 trên thế giới, với chiều dài hệ thống 293 km cùng 300 nhà ga.
Ở Mexico, hiện có tới 195 nha ga và chiều dài hệ thống là 225 km, Mexico City Metro (Mexico) là hệ thống tàu điện ngầm lớn thứ hai ở khu vực Bắc Mỹ và hoạt động cực kỳ hiệu quả. Chính vì điều này mà Mexico cũng là một trong những nước ở Bắc Mỹ đang sử dụng lớn và làm giảm tối đa ùn tắc giao thông trong nội đô.
Ở Delhi, Ấn Độ, Với chiều dài 193,2 km, Delhi Metro (Ấn Độ) là hệ thống tàu điện ngầm lớn thứ mười ba trên thế giới, chuyên chở khoảng 2,4 triệu lượt khách hàng ngày.
Các hệ thống MRT sâu nhất trên thế giới:
* Đứng thứ nhất là Ga Arsenalna thuộc tuyến Sviatoshynsko-Brovarska của hệ thống tàu điện ngầm của Kiev nằm cách mặt đất 105,5 mét. Nó hiện đang là ga tàu điện ngầm sâu nhất thế giới. Thường hành khách phải mất đến 5 phút di chuyển với sự hỗ trợ của hai thang cuốn mới có thể xuống được nhà ga tầu. Nếu tính theo chiều cao của một tòa nhà với mỗi tầng cao 3 mét thì sâu tương ứng với tòa nhà cao 35 tầng. Do địa chất ga tàu này nằm trên một thung lũng dốc gần dòng sông Dnieper, nơi có các bờ sông nằm cao hơn phần còn lại của thành phố.
* Đứng thứ hai thuộc về Ga Pyongyang, Triều Tiên với độ sâu 110 mét dưới lòng đất. Nhà ga này quanh năm có nhiệt độ 18 độc C. Ngoài ra nó còn được thiết kế để làm hầm trú bom phòng khi chiến tranh xảy ra. Nó cũng sâu gấp đôi một hầm trú bom thông thường với cửa an toàn được bố trí ở các hành lang.
* Đứng thứ ba là Ga Admiralteyskaya, thành phố Saint Petersburg, Nga có độ sâu 86 mét so với mặt đất. Nó là một phần của một trong những hệ thống tàu điện ngầm sâu nhất thế giới – tàu điện ngầm Saint Petersburg. Hệ thống tàu điện ngầm này cũng là hệ thống có một số thang cuốn dài nhất thế giới, lên tới trên 130 mét. Nó cũng tương ứng với một tòa nhà cao 29 tầng với mỗi tầng cao 3 mét.
* Đứng thứ tư cũng thuộc về Ga Park Pobedy, thủ đô Moscow, Nga với độ sâu 84 mét dưới lòng đất. Đây là ga tàu sâu thứ 3 thế giới, và sâu nhất Moscow. Nó cũng tương ứng với một tòa nhà cao 28 tầng với mỗi tầng cao 3 mét.
* Các thứ tự tiếp theo thuộc về một số nhà ga khác nằm sâu dưới mặt đất mà bạn có thể muốn khám phá như: Ga Washington Park ở Portland, Oregon (79m); ga Hampstead của hệ thống tàu điện ngầm London (58m); và Náměstí Míru của the Prague Metro (53m).
Các Quốc gia đang xây dựng và dự tính sẽ đi vào hoạt động trong tương lai
Các Quốc gia như: Bangladesh dự kiến đưa vào hoạt động năm 2021; Ecuador dự kiến đưa vào hoạt động năm 2020; Bờ Biển Ngà dự kiến đưa vào hoạt động năm 2023; Nigeria dự kiến đưa vào hoạt động năm 2022; Pakistan dự kiến đưa vào hoạt động năm 2020; Và trong đó có Việt Nam dự kiến đưa vào hoạt động năm 2020 nhưng giấc mơ đó thành hiện thực hay không còn phụ thuộc vào sự giám sát, thúc đẩy của Chính Phủ và các nhà thầu thì công trong đó có nhà thầu Trung Quốc sẽ phải nghiêm túc thực hiện và đẩy nhanh tiến độ.
Giá trị của MRT đối với nhiều mặt phát triển đất nước
Hệ thống tàu điện MRT vừa giúp giảm thiểu ùn tắc giao thông, vừa tiết kiệm quỹ đất lại kinh tế. Ngoài ra còn là hệ thống phòng thủ, trú ẩn hiệu quả khi có chiến tranh xảy ra. Hệ thống tàu điện MRT góp phần bảo vệ môi trường, đánh giá sự trường tồn của giao thông một Quốc gia. Bên cạnh đó nó tạo cho mỗi đất nước một văn hóa giao thông, phục vụ tính đa dạng hóa trong các lựa chọn phương tiện công cộng.
Với hệ thống tàu diện MRT của mỗi Quốc gia là một sự hiện thực hóa về giải pháp chống ách tắc giao thông đô thị. Nó giúp cho mỗi đất nước đỡ đi hàng tỷ đô la trong việc xử lý môi trường, xử lý khói bụi, tiết kiệm nhiên liệu và năng lượng hữu hạn, giúp hiện đại hóa và đa dạng, đa tầng giao thông cho các nước đã và đang phát triển.
Hệ thống MRT còn tạo sự kết nối thông minh, ít ảnh hưởng bởi thiên tai, hay sự phá hủy của môi trường khắc nghiệt. MRT khi họat động hiệu quả cũng khiến cho các nước sử dụng nó tiết kiệm được kinh tế, giảm áp lực phương tiện giao thông bề nổi và sự tàn phá của các phương tiện mặt đất. Hơn nữa, với sự vận hành tự động, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo 4.0 cũng giúp cho hệ thống này vận hành hoàn toàn số hóa. Các lộ trình định sẵn được cài đặt cũng là một yếu tố điều hành tự động giúp tiết kiệm nhân lực và chi phí vận hành tối đa. Cùng với hệ thống tàu điện MRT các nước cũng tập trung phối hợp các phương thiện công cộng khác như xe điện, xe bus, và các phương tiện giao thông đường thủy nội đô tạo nên giá trị văn hóa tuyệt vời trong giao thông.
Tôi may mắn được trải nghiệm nhiều nước EU, Mỹ, HongKong, Singgapor, Nhật... và có những suy nghĩ được chia sẻ ở đây. Thiết nghĩ trong hệ thống cơ cấu và ổn định quy hoạch giao thông Quốc gia, Việt Nam nên có những kế hoạch dài hơi, lựa chọn những nhà thầu năng lực tốt, tư nhân hóa, xã hội hóa để đặt mục tiêu trong một thập kỷ tới có được hệ thống MRT thông minh, bền vững, hiệu quả. Từ đó tiết kiệm kinh tế, chi phí xử lý môi trường, các chi phí nhân lực dốc sức kiến thiết đất nước văn minh, thịnh vượng trường tồn.
( Bài viết của Luật sư Vũ Ngọc Dũng - Giám đốc công ty Luật Bắc Việt ( www.bacvietluat.vn ), cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu chưa được sự đồng ý bằng văn bản. Chân thành cảm ơn và mong có đóng góp chân thành gửi về địa chỉ mail: [email protected] - www.vungocdung.info
Bình luận
Bình luận bằng Facebook