Việc bà Trương Mỹ Lan xin thôi Quốc tịch Việt Nam cũng là câu chuyện được bàn tán nhiều nhất. Lý do bên trong thật sự ra sao chúng ta chưa ai biết rõ nhưng sau đó bà Trương Mỹ Lan và người nhà đã rút đơn đề nghị xin thôi Quốc tịch Việt Nam, mọi sự lại trở về quỹ đạo bình thường.Dù vậy vẫn có rất nhiều giả sử đặt ra và làm dấy lên một vấn đề không nhỏ cần phải xem xét, đó là trường hợp các nhà phát triển dự án bất động sản giống như bà Trương Mỹ Lan xin thôi và được chấp nhận cho thôi Quốc tịch Việt Nam thì sẽ ra sao? Quyền sở hữu tài sản của cá nhân người đứng đầu doanh nghiệp và doanh nghiệp đó sẽ thay đổi thế nào sau khi thôi Quốc tịch? Hiện tượng Bà Trương Mỹ Lan cũng là một hiện tượng điển hình, đặt ra cho các nhà lập pháp câu hỏi: Tại sao vẫn chưa có những quy định rõ ràng về hậu quả pháp lý điều chỉnh khối tài sản của người xin thôi Quốc tịch? Số phận khối tài sản họ đang sở hữu ra sao? Doanh nghiệp của họ sẽ có địa vị pháp lý thay đổi thế nào?

Để trả lời những câu hỏi này và cũng để bạn đọc dễ dàng theo dõi, trong bài viết này, xin đặt giả sử trường hợp bà Trương Mỹ Lan không rút đơn xin thôi Quốc tịch Việt Nam và được chấp nhận cho thôi Quốc tịch Việt Nam.


Xin thôi quốc tịch, chủ doanh nghiệp có mất quyền sở hữu tài sản?

Pháp luật dân sự Việt Nam quy định rõ về tài sản bao gồm tiền, giấy tờ có giá trị được tính bằng tiền (cổ phần, cổ phiếu), và các quyền của tài sản là quyền sở hữu tài sản. Trong quyền sở hữu tài sản gồm 3 quyền là: chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản đó. Tất cả quyền sở hữu của các chủ sở hữu đều được pháp  luật công nhận và bảo vệ gồm cả sở hữu cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác.

Về quyền sở hữu giữa một người nước ngoài, người là công dân Việt Nam và người có nguồn gốc Việt Nam (tức người đã thôi quốc tịch Việt Nam và nhập Quốc tịch nước ngoài) luôn có sự khác nhau. Trường hợp cụ thể ở đây là người nước ngoài có gốc là người Việt Nam (người Việt Nam định cư ở nước ngoài). Với đối tượng này, Bộ Luật dân sự Việt Nam xác định rõ: Quan hệ sở hữu tài sản sẽ do nước nơi có tài sản điều chỉnh, và mặc nhiên nếu giả sử bà Trương Mỹ Lan có thôi Quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn có tài sản ở Việt Nam thì sẽ do Pháp luật Việt Nam điều chỉnh.

Về pháp luật Quốc tịch Việt Nam cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch, không thấy có điều khoản nào quy định về hậu quả pháp lý rằng sẽ mất quyền sở hữu với những tài sản ở Việt Nam được hình thành trước khi người đó xin thôi Quốc tịch Việt Nam. Vậy là đồng nghĩa ta được hiểu về nguyên tắc là: số phận tài sản được hình thành ở Việt Nam khi bà Trương Mỹ Lan xin thôi Quốc tịch Việt Nam để nhập Quốc tịch nước ngoài "không mặc nhiên” bị mất.

Quan hệ tài sản trong vấn đề nhận chuyển nhượng mới, người thôi quốc tịch Việt Nam (tạm gọi cách khác là người nước ngoài có gốc Việt Nam) sẽ bị hạn chế quyền sở hữu quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.

Tại Luật số 34/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 Luật Đất đai cũng quy định những người có gốc Việt Nam sẽ phải đáp ứng đủ điều kiện mới được sở hữu nhà ở Việt Nam, và đặc biệt sẽ bị hạn chế quyền hưởng thừa kế tại Việt Nam trong xác lập các quyền với tài sản mới.


Doanh nghiệp trong nước hay nhà đầu tư nước ngoài?

Đương nhiên khi được chấp nhận cho thôi Quốc tịch Việt Nam, vấn đề sở hữu vốn của cá nhân bà Trương Mỹ Lan trong pháp nhân công ty Vạn Thịnh Phát cũng có sự thay đổi.

Việc bà có sở hữu cổ phần, cổ phiếu, vốn trong các công ty tại Việt Nam cũng thay đổi nhiều quyền và nghĩa vụ pháp lý. Bà đương nhiên sẽ là "nhà đầu tư nước ngoài” và chịu sự điều chỉnh của pháp luật đối với nhà đầu tư nước ngoài. Một số lĩnh vực đầu tư có áp dụng điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ buộc bà phải thay đổi hồ sơ pháp lý trong các công ty tham gia.

Một số lĩnh vực mà Việt Nam có cam kết lộ trình ra nhập WTO họ phải tuân thủ, điều đặc biệt hơn là tỷ lệ sở hữu vốn trong công ty cũng phải căn cứ theo quy định của pháp luật Việt Nam về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Nếu tỷ lệ sở hữu của bà Lan vượt quá quy định cho phép của Pháp luật Việt Nam và cam kết trong lộ trình WTO buộc bà Trương Mỹ Lan phải điều chỉnh cho phù hợp.

Lúc này bà trở thành chủ đầu tư các dự án dưới tư cách là nhà đầu tư nước ngoài, và doanh nghiệp của bà là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (thủ tục bắt buộc sẽ phải chuyển đổi hình thức sở hữu và hình thức công ty thành công ty có vốn đầu tư nước ngoài với loại hình là TNHH hoặc Cổ phần).

Những hạn chế trong hoạt động đầu tư cũng sẽ được áp dụng, ví dụ như trong các dự án đầu tư bất động sản, bà Trương Mỹ Lan sẽ không được tham gia vào các công trình là nhà, công trình xây dựng với nội dung nhà đầu tư nước ngoài không được mua để bán, cho thuê, hay cho thuê mua mà bà Lan và doanh nghiệp của bà chỉ có thể thực hiện việc thuê bất động sản và để cho thuê lại mà thôi.

Hơn thế nữa, khi là nhà đầu tư nước ngoài thì bà Trương Mỹ Lan sẽ không được phân lô, bán nền đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nghĩa trang để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn liền với hạ tầng kỹ thuật đó.

Việc phải thay đổi các điều kiện mà pháp luật quy định cho từng dự án phải hoàn thành. Việc hoàn thiện này cũng đồng thời bổ sung các điều kiện cần và đủ của một nhà đầu tư nước ngoài đối với pháp nhân của bà.

Các ưu tiên trong quá trình xin cấp phép đầu tư của doanh nghiệp bà trước đây cũng sẽ bị chấm dứt. Việc quản lý quyền và nghĩa vụ tài chính của từng dự án và bất động sản người này đang chưa thực hiện cũng phải hoàn thành tuyệt đối.

Trong thủ tục xin thôi Quốc tịch Việt Nam quy định ở Luật Quốc tịch 2008 cũng được chỉ rất rõ khi thôi Quốc tịch Việt Nam các nghĩa vụ tài chính, công nợ hay nghĩa vụ thuế còn dang dở phải thực hiện triệt để.  

Khi trở thành công dân nước ngoài cũng khó giám sát bà Lan hơn và bà sẽ ở một địa vị pháp lý khác. Điều này chính là những thay đổi lớn trong tư cách sở hữu vốn của bà Trương Mỹ Lan ở công ty Vạn Thịnh Phát có trụ sở tại Việt Nam, cũng như các giới hạn quyền thực hiện trong các dự án bất động sản.

Cùng với quá trình thay đổi này thì tỷ lệ sở hữu của bà Trương Mỹ Lan cũng bị thay đổi, cụ thể như tại khoản 2 Điều 161 Luật Nhà ở 2014 quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài bao gồm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp Nhà nước, quỹ đầu tư nước ngoài và Chi nhánh ngân hàng Nhà nước đang đầu tư tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam khi được công nhận quyền sở hữu thì có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam, nhưng có hạn chế về số lượng căn hộ, số lượng nhà ở riêng lẻ theo quy định.  Việc được tặng cho, được thừa kế nhà ở không thuộc diện quy định tại điểm b khoản 2 Điều 159 của Luật nhà ở 2014 hoặc đã vượt quá số lượng nhà ở quy định như đã nêu ở trên thì chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó”.

Khi xin thôi Quốc tịch sẽ khiến một người Việt Nam trở thành một người nước ngoài. Doanh nghiệp trong nước thành một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều kiện mở rộng của nhà đầu tư trong nước cũng được thu hẹp lại với nhà đầu tư nước ngoài. Một số khu vực dự án ảnh hưởng quốc phòng an ninh hay các điều kiện tỷ lệ sở hữu, điều kiện vốn sẽ được áp dụng.

Nếu không có sự thay đổi để phù hợp với pháp luật Việt Nam quy định với nhà đầu tư nước ngoài thì các dự án và bất động sản đang sở hữu sẽ bị ngưng trệ cho tới khi hoàn thành nghĩa vụ đó.

Việc thôi quốc tịch Việt Nam thì đối tượng đó sẽ là người Việt Nam định cư ở nước ngoài áp dụng theo Khoản 3, Điều 3, Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 và các quan hệ xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu tài sản như bất động sản, dự án hay sở hữu vốn trong các công ty thuôc sở hữu của người đó sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật của nước mà nơi người đó có tài sản (Khoản 1 Điều 766 Bộ Luật Dân sự 2005).

Như vậy, các dự án, các tài sản sở hữu xác lập khi còn là công dân Việt Nam là có đủ điều kiện cần thiết mà pháp luật quy định để được sở hữu nhà, đất, dự án, vốn thì khi thôi quốc tịch các điều kiện đó không còn phù hợp. Do vậy buộc phải có sự thay đổi để đáp ứng các yêu cầu của Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở hiện hành.

Trong trường hợp đó, tư cách pháp nhân của các dự án bất động sản do người thôi Quốc tịch Việt Nam làm chủ sẽ có thay đổi thế nào, quyền lợi của khách mua bị ảnh hưởng ra sao?

Xin mời quý độc giả đón đọc kỳ 2 trên http://reatimes.vn

Luật số 34/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 Luật Đất đai  

"Chuyển quyền sử dụng đất ở khi bán, tặng, cho, để thừa kế, đổi nhà ở cho tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam để ở; tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở cho Nhà nước, cộng đồng dân cư, tặng cho nhà tình nghĩa theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 110 của Luật này. Trường hợp tặng cho, để thừa kế cho đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở;”

Khoản 2 Điều 161 Luật Nhà ở 2014:

"Chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư; nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá hai trăm năm mươi căn nhà. Trường hợp trong một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường mà có nhiều nhà chung cư hoặc đối với nhà ở riêng lẻ trên một tuyến phố thì Chính phủ quy định, cụ thể số lượng căn hộ, số lượng nhà ở riêng lẻ mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu”.

Luật sư Vũ Ngọc Dũng - 0938188889

Viết tại báo  REATIMES:

http://reatimes.vn/ky-1-lot-xac-thanh-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-17271.html