Nghiên cứu M&A: hạn chế trong việc tổ chức cơ quan quản lý cạnh tranh với thương vụ M&A ( Bài 41- Phần 2)
Nghiên cứu M&A: hạn chế trong việc tổ chức cơ quan quản lý cạnh tranh với thương vụ M&A ( Bài 41- Phần 2)
Thứ hai, mới được thành lập chưa lâu, số lượng chuyên gia cạnh tranh còn ít thì việc đào tạo, bồi dưỡng điều tra viên, chuyên gia,… chỉ mới đáp ứng được nhu cầu trước mắt và chất lượng vẫn còn hạn chế. Cục Quản lý cạnh tranh được quy định quá nhiều chức năng, từ điều tra xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, điều tra các hành vi hạn chế cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng đến quản lý nhà nước về chống bán phá giá, chống trợ cấp và áp dụng các biện pháp tự vệ trong thương mại quốc tế. Trong vấn đề thực quyền, Cục quản lý cạnh tranh lại vẫn chưa được độc lập do vậy mà ở phiên diện nào đó, các quy định về quyền của cơ quan quản lý cạnh tranh về lý thuyết là rất đầy đủ, nhưng về thực tế thì không có cơ chế để thực hiện hiệu quả.
Thứ ba, Cơ quan quản lý cạnh tranh còn chưa có tính độc lập và tự quyết lớn. Chính sự độc lập cho cơ quan quản lý cạnh tranh sẽ là một nền tảng vững chắc cho hoạt động độc lập và có hiệu quả . Với các nội dung của Nghị định số 05/2006/NĐ-CP khó có thể khẳng định được sự độc lập của Hội đồng cạnh tranh. Việc quy định Bộ trưởng Bộ Công thương được đề nghị Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên và chủ tịch Hội đồng cạnh tranh; quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ban thư ký Hội đồng cạnh tranh; phê duyệt quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng cạnh tranh làm sao hết khả năng chi phối đối với việc tổ chức và hoạt động của cơ quan này. Kể cả kinh phí hoạt động của Hội đồng cạnh tranh được bố trí theo dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Công thương . Với những ràng buộc này, Hội đồng cạnh tranh vẫn chịu sự kiềm tỏa của Bộ Công thương là tất nhiên. Điều này cũng chính sẽ tạo ra một rào cản là khó mà khách quan trong khi nhiều công ty lớn, doanh số cao, chi phối thị trường vẫn đang nằm dưới sự kiểm soát của Bộ công thương thì việc kiểm soát tập trung kinh tế và quản lý cạnh tranh của Cơ quan cạnh tranh khó lòng khách quan được.
Thứ tư, chưa xác định rõ Hội đồng cạnh tranh đang chịu sự kiểm soát và trực thuộc cơ quan nào của nhà nước. Với Nghị định 05/2006/NĐ-CP thì quy định Hội đồng cạnh tranh là cơ quan thực thi quyền lực nhà nước độc lập mà chưa khẳng định rõ ràng nó trực thuộc cơ quan nào trong bộ máy hành pháp, thuộc chính phủ hay Bộ công thương. Việc không xác định rõ trực thuộc cơ quan nào sẽ khó tạo ra một cơ chế hoạt động thật sự độc lập của Hội đồng cạnh tranh và việc xây dựng các căn cứ pháp lý tạo sự độc lập tuyệt đối cho cơ quan quản lý cạnh tranh rất khó thực hiện.
Thứ năm, chưa xây dựng được quy định pháp lý rạch ròi thẩm quyền giữa Cục Quản lý cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh khiến cho hiện tại khiến cho Hội đồng cạnh tranh không thực quyền và hiệu quả. Hầu hết các khâu trong hoạt động tố tụng đều do Cục quản lý cạnh tranh tiến hành mà Hội đồng cạnh tranh chỉ có thẩm quyền tổ chức phiên điều trần và ra quyết định xử lý vụ việc, giải quyết các khiếu nại các quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh về hành vi hạn chế cạnh tranh. Vì lẽ đó mà mặc dù cơ quan có quyền cao nhất là Hội đồng cạnh tranh nhưng qúa trình xử lý của Hội đồng cạnh tranh gần như phải lệ thuộc vào kết quả của các hoạt động tố tụng trước đó của Cục quản lý cạnh tranh. Vì lẽ này mà vai trò của Hội đồng cạnh tranh rất mờ nhạt không có tính quyền lực cao trong giải quyết vụ việc tập trung kinh tế của hoạt động M&A. Trong sự hoàn thiện quy định về cơ quan quản lý cạnh tranh nhất định phải có sự phân quyền rạch ròi để hiệu quả áp dụng pháp luật cao hơn.
Thứ sáu, hầu hết các thành viên trong Hội đồng cạnh tranh đều kiêm nhiệm, bộ máy còn chưa hoàn chỉnh về nhân sự và biên chế.
Các chức năng khác độc lập như quảng bá, tuyên truyền pháp luật cạnh tranh, học hỏi kinh nghiệm xây dựng, tổ chức của các nước trên thế giới, hoàn thiện pháp luật cạnh tranh nên Hội đồng cạnh tranh Việt Nam chỉ mới dừng lại ở mức còn sơ khai, chưa hoàn thiện về cơ cấu. Cần giao quyền độc lập và xây dựng một cơ chế phát triển mạnh mẽ cơ quan này trong tương lai.
Mặt khác khi cho phép cơ quan cạnh tranh có quyền xem xét cả sau tập trung kinh tế thì pháp luật cạnh tranh sẽ giao quyền cho cơ quan quản lý cạnh tranh có quyền xem xét sự kết hợp đó trên nhiều phương diện khác nhau kể cả về thị phần kết hợp và cả nguy cơ tạo ra sự thống lĩnh trên thị trường cũng như là cảnh báo những nguy cơ chắc chắn xảy ra trong tương lai. Điều này sẽ giúp cho việc cơ quan quản lý cạnh tranh sẽ yêu cầu các bên tham gia phải cam kết thưc hiện biện pháp khắc phục nếu xảy ra sự vượt ngưỡng sau tập trung kinh tế ( Hậu M&A) .Chính vì những nguy cơ này mà khiến Luật cạnh tranh cũng cần có biện pháp áp đặt cho những hành vi tập trung kinh tế sau thương vụ phải thực hiện nếu vượt ngưỡng như là: buộc phải chia, tách hoặc bán lại toàn bộ hoặc một phần đã mua để đảm bảo ngưỡng kiểm soát theo quy định Luật cạnh tranh
Ở các nước Mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh cũng khá khác nhau. Có nước cơ quan này thuộc chính phủ, có nước thuộc Quốc hội, có nước thuộc Bộ. Tuy nhiên Việt Nam hiện tại Cơ quan này thuộc Bộ. Thông thường các nước trên thế giới thì cơ quan quản lý cạnh tranh có xu hướng tối cao hoá cơ quan này. Vì vậy ở Việt Nam cũng cần có những suy ngẫm về việc nên xây dựng một cơ quan quản lý cạnh tranh có vị trí ngang bộ và trực thuộc Chính phủ để đáp ứng các nhu cầu như:
Tính độc lập trong hoạt động tạo vị thế xử lý vụ việc khách quan trọng kiểm soát hoạt động tâp trung kinh tế và các hoạt động khác
Phát huy tối đa nhiệm vụ là cơ quan điều tra và xử lý vụ việc trong cạnh tranh và tập trung kinh tế;
Tăng cường thêm tính tự chủ của cơ quan quản lý cạnh tranh về tài chính, ngân sách. Tránh phụ thuộc vào sự chi phối nguồn ngân sách hoạt động khiến tính tự chủ không cao.
Tạo ra vị trí độc lập tập trung phát triển chuyên môn cao, đảm bảo tính tính công chính, minh bạch và khả năng chịu trách nhiệm và giải trình của cơ quan này. Tự chủ trong cả tuyển dụng, đào tạo nhân lực, tuyên truyền, tự chủ ngân sách như các nước Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Canada, Úc… nơi cơ quan quản lý cạnh tranh đều có vị trí độc lập và quyền tự chủ, tạo điều kiện hoạt động rất hiệu quả. Đặc biệt là chức năng tham vấn mà đã quy định trọng Nghị định 06/2006/NĐ-CP ngày 9/1/2006 Cục Quản lý cạnh tranh có quyền “phát hiện và kiến nghị cơ quan có liên quan giải quyết theo thẩm quyền về những văn bản đã ban hành có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật cạnh tranh”
( Bài viết của Luật sư Vũ Ngọc Dũng - sao chép dưới mọi hình thức đề nghị xin phép tác giả - 0387696666 - 0386319999) #vungocdung #mavietnam #bacvietluat #luatsu #muabandoanhnghiep
Bình luận
Bình luận bằng Facebook