Nghiên cứu M&A: ưu, nhược điểm về khái niệm M&A trong Luật doanh nghiệp và Luật cạnh tranh ( Bài 26)
Nhận xét tổng quát các quy định về khái niệm M&A trong Luật doanh nghiệp và Luật cạnh tranh.Từ các quy định của Luật cạnh tranh và Luật doanh nghiệp về các khái niệm trong M&A ta thấy các điểm sau đây.
Thứ nhất, các quy định hiện hành của Luật doanh nghiệp về M&A bao gồm các hành vi hợp nhất và sáp nhập doanh nghiệp. Theo đó Luật doanh nghiệp xem sáp nhập và hợp nhất doanh nghiệp là một hình thức tổ chức lại doanh nghiệp.
Thứ hai, quy định trong Luật doanh nghiệp thì các hình thức sáp nhập, hợp nhất hiện hành chỉ được thực hiện với các doanh nghiệp cùng loại. Điều này đã gây ra rất nhiều hạn chế trong thực tiễn áp dụng cho M&A. Trong thực tế cho thấy, hoạt động sáp nhập và hợp nhất doanh nghiệp chỉ là một thủ tục để thực hiện các thương vụ sau khi đã thực hiện xong quan hệ về mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp, mua vốn góp và mua cổ phần doanh nghiệp.
Các bên tham gia thương vụ M&A đều có thể thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp theo quyết định của mình sau khi mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp. Việc quy định hạn chế chỉ cho phép doanh nghiệp cùng loại đã được bãi bỏ tại Luật doanh nghiệp 2014 và sẽ có hiệu lực từ 1/7/2015. Điều này vô cùng quan trọng và tạo một thể chế mới đột phá cho việc áp dụng các quy định Luật doanh nghiệp trong hoạt động M&A.
Như vậy với quy định hiện hành Luật doanh nghiệp đã gián tiếp định nghĩa theo chiều ngang, liệt kê hành vi tập trung kinh tế là hợp nhất và sáp nhập doanh nghiệp. Mặc dù không có định nghĩa cụ thể về khái niệm mua bán và sáp nhập doanh nghiệp theo nguyên nghĩa của cụm từ M&A ( Merger and Acquisition) nhưng việc định nghĩa từng hành vi trong Luật cũng cho thấy tính chất quan trọng của các hoạt động sáp nhập và hợp nhất trong hệ thống pháp luật doanh nghiệp. Từ đó sẽ giúp chúng ta ngày càng hoàn thiện và củng cố địa vị pháp lý của hoạt động này trong hệ thống pháp luật Quốc gia về tổ chức doanh nghiệp trong hoạt động mua bán doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Thứ ba, đánh giá các quy định trên ta thấy giữa Luật doanh nghiệp và Luật cạnh tranh còn nhìn nhận khá nhiều vấn đề khác nhau. Dưới góc độ tổ chức lại doanh nghiệp thì Luật doanh nghiệp không quy định về hành vi “ mua lại doanh nghiệp” và “ liên doanh” là hành vi tổ chức lại doanh nghiệp. Luật doanh nghiệp với vai trò của mình là thiết lập các mô hình hoạt động cho các loại hình doanh nghiệp. Trong đó ngày càng hoàn thiện việc đẩy mạnh quy định theo hướng tôn trọng quyền tự quyết của doanh nghiệp nhiều hơn nữa.
Thứ tư, Không phải tất cả các thương vụ M&A đều được pháp luật Cạnh tranh và pháp luật Doanh nghiệp điều chỉnh.
Thứ năm, Luật cạnh tranh dưới góc độ kiểm soát tập trung kinh tế, chỉ điều chỉnh các thương vụ có nguy cơ tạo ra vị thế thống lĩnh, hoặc cạnh tranh không lành mạnh. Luật cạnh tranh xem hành vi sáp nhập, hợp nhất là hành vi tập trung kinh tế cần phải kiểm soát khi diễn ra bởi nó có thể gây tác động xấu cho thị trường.
Các hành vi đó nếu dưới ngưỡng kiểm soát “ sáp nhập, hợp nhất, liên doanh” và không phải nhằm mục đích kiểm soát, và chi phối doanh nghiệp mục tiêu thì sẽ được tự do diễn ra mà không phải thực hiện bất kể thủ tục pháp lý nào ở khía cạnh Luật cạnh tranh. Về cơ bản pháp lý mà nói, hoạt động mua lại doanh nghiệp vẫn là khởi nguồn cho các hoạt động tổ chức lại doanh nghiệp sau thương vụ M&A. Do đó Luật cạnh tranh chỉ điều chỉnh các hành vi tập trung kinh tế để tránh việc lũng đoạn thị trường hay cạnh tranh không lành mạnh. Luật cạnh tranh là một công cụ quản lý hoạt động cạnh tranh không lành mạnh xảy ra trong thị trường.
Thứ sáu, còn Luật doanh nghiệp dưới góc độ tổ chức lại doanh nghiệp, thì điều chỉnh hoạt động thủ tục, trình tự tiến hành và cơ cấu doanh nghiệp. Trong đó Luât doanh nghiệp không hề đề cập tới thủ tục mua lại doanh nghiệp mà chỉ điều chỉnh hoạt động sau khi mua lại doanh nghiệp dẫn tới việc có thể hợp nhất, hoặc sáp nhập doanh nghiệp. Luật doanh nghiệp quy định khá rõ ràng về các hành vi : sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, hoặc chuyển đổi doanh nghiệp nhằm mục đích cơ bản là tổ chức lại hoạt động nội bộ doanh nghiệp.
Luật doanh nghiệp chỉ đi vào quy định chi tiết các cách thức trình tự, thủ tục để thực hiện việc tổ chức lại doanh nghiệp theo các thể dạng như trên. Chúng ta nhìn khía cạnh tổ chức lại doanh nghiệp thì các hoạt động này thường được thực hiện sau mỗi thương vụ như là một quy trình hậu M&A chứ bản thân chúng không phải là M&A.Điều này sẽ diễn ra sau khi thực hiện việc mua bán doanh nghiệp toàn bộ hoặc một phần doanh nghiệp thì sẽ tiến hành cơ cấu lại cấu trúc nội bộ doanh nghiệp đó. Có thể bên Bán và bên Mua sẽ thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập hoặc chia tách, chuyển đổi loại hình theo quyết định chi phối của Hội đồng quản trị. Luật doanh nghiệp có mối liên hệ trong trường hợp các bên thực hiện hành vi này mà rơi vào ngưỡng tập trung kinh tế theo Luật cạnh tranh thì sẽ phải thực hiện áp dụng các quy định về nghĩa vụ trong Luật cạnh tranh trước khi tiến hành các hoạt động cơ cấu, tổ chức doanh nghiệp này.
Thứ bảy, Phạm vi điều chỉnh của Luật cạnh tranh đối với các hành vi tập trung kinh tế được liệt kê trong Luật khác với các quy định trong Luật doanh nghiệp về tổ chức lại doanh nghiệp. Chỉ có hai nội dung giống nhau bao gồm hai hành vi hợp nhất và sáp nhập doanh nghiệp, còn Luật cạnh tranh quy định hành vi tập trung kinh tế bao gồm cả: mua lại, liên doanh, và các hành vi khác. Ở góc độ Luật cạnh tranh thì Luật cạnh tranh đi sâu vào việc quy định trong kiểm soát các hành vi tập trung kinh tế còn Luật doanh nghiệp tiếp cận ở góc độ tổ chức doanh nghiệp. Điều này hoàn toàn phù hợp với nhiệm vụ và mục đích của từng Luật.
Chính vì tiếp cận ở hai góc độ khác nhau mà Luật cạnh tranh và Luật Doanh nghiệp có quy định khác nhau trong cùng một nội dung là hoạt động M&A. Luật doanh nghiệp không quy định mua lại doanh nghiệp là một hoạt động tổ chức lại doanh nghiệp, hoạt động mua lại doanh nghiệp không được đặt ra trong Luật doanh nghiệp. Chỉ có tại Điều 145 Luật doanh nghiệp quy định về trường hợp Bán doanh tư nhân mà không đề cập tới việc bán công ty trách nhiệm hữu hạn, bán công ty cổ phần.
Do đó những quy định không thống nhất giữa hai Luật mà trong quá trình áp dụng pháp luật các chủ thể tham gia mua bán doanh nghiệp còn khá lúng túng. Một số hoạt động thì cả hai Luật cùng điều chỉnh như: hợp nhất, sáp nhập nhưng ở hai khía cạnh khác nhau phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật mình. Mặt khác thì các hoạt động mà Luật cạnh tranh quy định là hành vi tập trung kinh tế mà Luật doanh nghiệp dưới góc độ của tổ chức doanh nghiệp không đề cập tới khiến lúng túng khi áp dụng. Việc thống nhất khái niệm giữa hai Luật là điều cần thiết để hoạt động M&A được diễn ra dựa trên nền tảng của pháp luật đầy đủ. Các khái niệm thuộc nội hàm của hoạt động M&A cần được liệt kê chi tiết hơn theo đúng tinh thần nguyên nghĩa của bản chất hoạt động này mà các nước cũng đang thừa nhận.
-----------
( Bài viết của Luật sư Vũ Ngọc Dũng - sao chép dưới mọi hình thức đề nghị xin phép tác giả - 0387696666 - 0386319999) #vungocdung #mavietnam #bacvietluat #luatsu #muabandoanhnghiep
Bình luận
Bình luận bằng Facebook