/ / / /

Quảng cáo thiếu trung thực là lừa đảo người dùng


Quảng cáo thiếu trung thực là lừa đảo người dùng
( Bài trả lời của Luật sư Vũ Ngọc Dũng trên truyền hình VTC ….)
……..
Việc quảng cáo không trung thực về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm là một hành vi đánh lừa người tiêu dùng, cần phải có chế tài xử phạt mạnh đối với doanh nghiệp và nhà đài nếu đưa thông tin không đúng về sản phẩm.

Không chỉ sự việc Trà xanh C2 Ô Long dính nghi án quảng cáo sai sự thật, mà trước đó, hàng loạt các nhãn hàng của nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bị "bóc mẽ” quảng cáo không trung thực.

Quảng cáo trà xanh C2 Ô Long hoa hồng đang gây bức xúc dư luận vì thông tin mập mờ nguồn gốc nguyên liệu sản phẩm

Theo ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch hiệp hội siêu thị Hà Nội, việc quảng cáo không trung thực hiện nay đã đánh lừa rất nhiều người tiêu dùng.

Theo quy định, các quảng cáo trước khi phát trên truyền hình phải được kiểm duyệt chặt chẽ, nhưng hiện nay việc kiểm soát này rất khó vì mỗi ngày có tới hàng loạt các công ty, nhãn hàng, sản phẩm được phát trên truyền hình.

Việc quảng cáo không trung thực, trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà sản xuất, nhà đài khi phát chương trình cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.

"Theo tôi, để kiểm soát chặt chẽ hoạt động quảng cáo, cơ quan nhà nước, mà cụ thể là Bộ Thông tin Truyền thông phải có những hình thức xử phạt thật nghiêm các trường hợp vi phạm. Vì quảng cáo sai, tức là lừa người tiêu dùng. Quan điểm của tôi là quảng cáo phải trung thực và đúng luật”, ông Phú cho biết.

Lý giải nguyên nhân nhiều nhà sản xuất vẫn tung hỏa mù quảng cáo nhằm đánh lừa người tiêu dùng, ông Vũ Vinh Phú cho biết, mặc dù Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã có hiệu lực, nhưng vẫn chưa đi vào cuộc sống. Trong khi đó, vai trò quản lý của cơ quan nhà nước thì quá bất cập. Nhiều sản phẩm quảng cáo không đúng, nhưng chưa bị cơ quan nào phanh phui ra.
Clip quảng cáo Trà xanh C2 Ô Long hoa hồng:

"Lực bất tòng tâm, vì vậy chỉ khi nào, người tiêu dùng có phản ánh thì cơ quan nhà nước mới vào cuộc. 
Theo tôi, chế tài xử phạt hiện nay cũng đang quá nhẹ. Ở các nước khác nếu vi phạm có thể sẽ bị bỏ tù, nhưng ở Việt Nam thì cùng lắm là phạt mấy triệu đồng, số tiền với doanh nghiệp không là vấn đề gì”, ông Phú chia sẻ.

Nếu mải mê chạy theo lợi nhuận, phớt lờ các giá trị đạo đức nghề nghiệp để doanh nghiệp sử dụng mình như công cụ để lừa dối khán giả thì các cơ quan truyền thông cũng sẽ bị khán giả tẩy chay.


Luật sư Vũ Ngọc Dũng, Tổng giám đốc Bắc Việt Luật

Ngoài ra, hiện nay việc quản lý các mặt hàng cũng đang hết sức chồng chéo, chỉ riêng về an toàn vệ sinh thực phẩm đã có tới 3 Bộ cũng chịu trách nhiệm và vì thế khi xảy ra sự cố không ai sẽ chịu trách nhiệm cụ thể.

Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa có đưa ra nguyên tắc phân công trách nhiệm quản lý đối với an toàn thực phẩm là theo quá trình, trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý quá trình sản xuất ban đầu (chăn nuôi, trồng trọt) đến sản phẩm tươi, sống (sơ chế, đông lạnh). Bộ Y tế quản lý quá trình sản xuất hàng tiêu dùng (Thực phẩm chế biến sẵn để ăn ngay và thực phẩm bao gói sẵn).

Nhưng Luật an toàn thực phẩm lại phân trách nhiệm cho 3 Bộ (Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương) theo nhóm sản phẩm (theo thành phần cấu tạo chính) và xuyên suốt từ trang trại đến bàn ăn, món ăn và hàng nhập khẩu.

Vì thế đã tạo ra sự chồng chéo về quản lý tại các cửa khẩu và tạo ra nhiều cửa quan trong quản lý công bố hợp quy. 
Hệ quả này là sự phân công trách nhiệm không thống nhất trong Luật an toàn thực phẩm với nguyên tắc phân công trách nhiệm trong Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa và cũng trái với nguyên tắc, chủ trương điều hành của chính phủ là "mỗi Bộ chịu trách nhiệm một lĩnh vực”.

Ngoài ra, theo ông Phú, cũng như các lĩnh vực khác, chúng ta không thiếu văn bản quy phạm pháp luật để quản lý, nhưng vấn đề là khâu tổ chức thực hiện rất yếu, nên mới có tình trạng các nhãn hàng đua nhau quảng cáo quá lên, thổi phồng sự thật và người tiêu dùng thì bị đánh lừa.

Bản thân các phương tiện truyền thông có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn đến công chúng, nên việc quảng cáo – bằng cách sử dụng các phương tiện ấy như công cụ – tác động rất lớn đến thái độ và quyết định mua sắm của người tiêu dùng.

Để người tiêu dùng không bị lừa trước các thông tin quảng cáo sai sự thật cũng như dẹp được tình trạng tràn lan quảng cáo sai sự thật, nói quá, nhiều luật sư cho rằng, vấn đề cốt lõi ngay từ đầu là cần rà soát kỹ thông tin quảng cáo đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Muốn vậy, cần có quy định rõ là các cơ quan thông tin đại chúng phải liên đới chịu trách nhiệm nếu quảng cáo mình phát, đăng tải sai sự thật.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) thì cho rằng, người tiêu dùng Việt Nam có thói quen dễ tin vào những quảng cáo "đường mật”, nhất là lại qua những phương tiện truyền thông nhà nước.

"Qua những vụ tư vấn giải quyết khiếu nại chúng tôi thấy nhiều người tiêu dùng rất cả tin vào những thông tin quảng cáo không trung thực nên đã phải gánh chịu hậu quả, nhiều khi rất nặng nề”, ông Hùng nhấn mạnh.


 

Nhiều người tiêu dùng rất cả tin vào những thông tin quảng cáo không trung thực nên đã phải gánh chịu hậu quả, nhiều khi rất nặng nề.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – 
Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam

Để tự bảo vệ mình, theo ông Hùng, trước khi quyết định mua hàng hay sử dụng dịch vụ gì thì cần tìm hiểu kỹ thông tin có liên quan, đặc biệt là những thông tin đánh vào tâm lý của con người, nếu thiếu tỉnh táo thì ai cũng dễ mắc phải.
Trả lời báo chí, một đại diện của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cũng thừa nhận người tiêu dùng có thông minh đến đâu cũng khó có thể kiểm định hết chất lượng của sản phẩm, chính vì vậy người ta mới tin vào quảng cáo.

Trong khi đó, việc đăng đăng quảng cáo lên các phương tiện truyền thông chỉ do một người quyết định, giám đốc hoặc tổng biên tập của tờ báo đó.

"Cứ có tiền là người ta đăng. Ai đảm bảo được những cơ quan ấy làm đúng. Cần phải có sự giám sát, kiểm tra chéo lẫn nhau”, vị này bày tỏ.

Luật sư Vũ Ngọc Dũng, Tổng giám đốc Bắc Việt Luật cho biết, nếu Đài truyền hình cho qua thủ tục, làm không đúng luật quảng cáo thì mặc nhiên họ sẽ là đơn vị liên đới chịu trách nhiệm.

Clip quảng cáo Trà xanh C2 Ô Long chanh:

Ví dụ như việc không đủ căn cứ và hồ sơ pháp lý để quảng cáo nhưng vì việc để có hợp đồng họ đã bỏ qua thủ tục thì Đài phải chịu trách nhiệm.

"Trách nhiệm đó là: Liên đới cùng với doanh nghiệp quảng cáo bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng (nếu có), chịu trách nhiệm trước luật pháp Việt Nam về hành vi gian dối trong quảng cáo thương mại, nhẹ thì phạt hành chính, nặng thì truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Dũng nói.

Nhưng suy cho cùng, sự trừng phạt bằng đánh mất niềm tin từ khán giả mới là điều đáng sợ nhất bởi vì phục vụ khán giả chính là mục đích tối thượng của truyền thông. 
Nếu mải mê chạy theo lợi nhuận, phớt lờ các giá trị đạo đức nghề nghiệp để doanh nghiệp sử dụng mình như công cụ để lừa dối khán giả thì các cơ quan truyền thông cũng sẽ bị khán giả tẩy chay.

theo Ngọc Vy

Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

" Luật sư sống bằng việc BÁN KIẾN THỨC và TRÍ TUỆ, SỰ HIỂU BIẾT. Khách hàng đến với Luật sư để MUA những thứ bạn có. Nếu bạn không những thứ đó thì sẽ bán gì cho khách hàng? Sự UYÊN THÂM trong nghề tạo ra giá trị thật sự cho thân chủ" - Luật sư Vũ Ngọc Dũng -0938188889

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Blog Vũ Văn Dũng. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến