Nghiên cứu M&A: các quy định về kiểm soát M&A trên thế giới, Luật cạnh tranh, luật doanh nghiệp ( Bài 27, phần 3)
Nghiên cứu M&A: các quy định về kiểm soát M&A trên thế giới, Luật cạnh tranh, luật doanh nghiệp ( Bài 27, phần 3) tiếp...
Pháp luật cạnh tranh của Việt Nam vẫn luôn tôn trọng quyền được tư do kinh doanh, tự do đầu tư, tự quyết trong doanh nghiệp và tự chủ trong tập trung kinh tế. Bởi tôn trọng những quyền đó của doanh nghiệp nên pháp luật cạnh tranh đã xây dựng ngưỡng để kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế trong hoạt động kinh tế. Dưới ngưỡng kiểm soát các doanh nghiệp được tự do thực hiện mà không chịu sự điều chỉnh nào từ việc “ cho phép” hay” không có phép” thực hiện tập trung kinh tế. Trong ngưỡng có thể gây nguy hiểm hay tác động xấu cho thị trường thì các bên phải thực hiện những thủ tục cần thiết trước và sau khi tiến hành thương vụ. Việt Nam xây dựng “ ngưỡng” bằng tiêu chí “ thị phần kết hợp của thị trường liên quan”.
Pháp luật cạnh tranh là nhằm bảo toàn năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, ngăn cản những hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên ngưỡng kiểm soát ở các nước có khác nhau về tiêu chí. Ở Nhật Bản pháp luật quy định ngưỡng kiểm soát tập trung kinh tế thông qua ngưỡng tài sản tính bằng tiền và doanh thu; Ngưỡng kiểm soát tập trung kinh tế của Pháp được dựa trên ngưỡng doanh thu; Ngưỡng kiểm soát tập trung kinh tế của Đức dựa trên ngưỡng doanh thu; Pháp luật Mỹ thì kiểm soát thương vụ M&A trên cơ sở tiêu chí ngưỡng doanh thu và tài sản.
Điều quan trọng ở đây là việc xây dựng ngưỡng kiểm soát tập trung kinh tế của Pháp luật Cạnh tranh và pháp luật doanh nghiệp chủ yếu dựa trên tiêu chí về “thị phần kết hợp của thị trường liên quan”. Pháp luật cạnh tranh dựa trên tiêu chí “ thị phần kết hợp của thị trường liên quan “ đã sinh ra những tồn tại bất cập trong quá trình áp dụng pháp luật trong thực tế. Các quy định về tiêu chí “thị phần” hay “ thị trường liên quan” vừa tạo ra kẽ hở để các doanh nghiệp thôn tính không đồng thuận trên thị trường, vừa tạo ra nhiều kẻ hở trong sở hữu chéo và tạo vị thế thống lĩnh chi phối của các doanh nghiệp thực hiện tích luỹ tư bản trong phạm vi tỉnh, hay toàn quốc rất khó kiểm soát. Luật Cạnh tranh sử dụng thị phần làm cơ sở phân loại nhóm tập trung kinh tế và là tiêu chí duy nhất để xác định cách thức xử lý.
Theo Khoản 5 Điều 3 Luật Cạnh tranh quy định: "Thị phần của doanh nghiệp đôi với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định là tỷ lệ phần trăm giữa doanh thu bán ra của doanh nghiệp này với tổng doanh thu của tất cả doanh nghiệp kinh doanh loại hàng hoá dịch vụ đó trên thị trường liên quan hoặc tỷ lệ phần trăm giữa doanh số mua vào của doanh nghiệp này với tổng doanh số mua vào của tất cả các doanh nghiệp kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó trên thị trường liên quan theo tháng, quý, năm ". Tiếp đó Luật Cạnh tranh cũng định nghĩa thị phần kết hợp là "tổng thị phân trên thị trường liên quan của các doanh nghiệp tham gia vào thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hoặc tập trung kinh tế".
Điều 18 Luật Cạnh tranh cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan. Ở trường hợp này, việc sáp nhập, hợp nhất hoặc mua lại đã hình thành một doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp nắm giữ đa số thị phần trên thị trường liên quan và làm cho các doanh nghiệp còn lại chỉ là thiểu số trên thị trường, tạo nên sự thay đổi về cơ bản, đột ngột trong tương quan cạnh tranh và cấu trúc cạnh tranh trên thị trường. Do đó những trường hợp trên luôn bị xem là làm giảm, làm cản trở và sai lệch cạnh tranh một cách đáng kể. Tuy nhiên cũng có ngoại lệ, đó là khi sau khi tập trung kinh tế vẫn thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật và có thể được xem xét miễn trừ:
(i) Một hoặc nhiều bên tham gia tập trung kinh tế đang trong nguy cơ bị giải thế hoặc lâm vào tình trạng phá sản (thẩm quyền xem xét quyết định thuộc Bộ trưởng Bộ công thương).
(ii) Việc tập trung kinh tế có tác dụng mở rộng xuất khẩu hoặc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ (do Thủ tướng Chính phủ quyết định)
( Bài viết của Luật sư Vũ Ngọc Dũng - sao chép dưới mọi hình thức đề nghị xin phép tác giả - 0387696666 - 0386319999) #vungocdung #mavietnam #bacvietluat #luatsu #muabandoanhnghiep
Bình luận
Bình luận bằng Facebook